Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xăng dầu giảm giá 5 lần, hàng hóa vẫn chưa hạ nhiệt

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù giá xăng, dầu đã giảm sâu nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn cố thủ ở mức cao, khiến gánh nặng chi tiêu của người dân chưa được vơi bớt. Do đó, rất cần sự vào cuộc sát sao hơn nữa của cơ quan chức năng để bình ổn giá hàng hóa.

Giá hàng hoá vẫn neo cao

Khảo sát của phóng viên tại một số chợ truyền thống trong sáng 17/8 cho thấy, giá thịt lợn so với hồi đầu tháng 8 vẫn giữ ổn định. Tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông), giá thịt lợn đang bán dao động ở mức 110.000 - 130.000 đồng/kg, trong đó: Sườn non, ba chỉ, bắp giò, nạc vai 130.000 đồng/kg; mông sấn 110 - 120.000 đồng/kg.

Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại chợ Hà Đông. Ảnh: Ngọc Ánh
Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại chợ Hà Đông. Ảnh: Ngọc Ánh

Trong khi đó, giá một số thực phẩm tươi sống vẫn ở mức cao. Cụ thể: Gà ta lông 130.000 đồng/kg, gà công nghiệp lông 65.000 đồng/kg. Thịt bò các loại dao động từ 240.000 - 270.000 đồng/kg; cá trắm nguyên con 65.000 đồng/kg, cắt khúc 90.000 đồng/kg… Mức giá tại thời điểm này vẫn duy trì như các tháng trong quý II/2022.

Tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), nhiều loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm vẫn có giá cao, một số mặt hàng đồ tươi sống thậm chí còn đang tăng nhẹ. Đơn cử như rau xanh theo mùa, do ảnh hưởng thời tiết mưa bão nên những ngày gần đây giá khá cao, nhất là các loại rau gia vị. Cụ thể: Hành lá 50.000 đồng/kg, xà lách 50.000 đồng/kg; rau mùi 70.000 đồng/kg, cải ngọt 20.000 đồng/kg, cải bắp 15.000 đồng/kg, dưa chuột 20.000 đồng/kg…

Ghi nhận tại một số siêu thị, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hầu như chưa có sự biến động. Duy nhất mặt hàng dầu ăn sau khi tăng giá mạnh hồi đầu năm nay, hiện đã giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/lít. Theo đại diện bộ phận kinh doanh của các nhà bán lẻ, nguyên nhân giảm giá là do chi phí vận chuyển đã "hạ nhiệt", cùng với đó nguyên liệu sản xuất dầu ăn nhập khẩu dồi dào trở lại, giá nguyên liệu cũng đi xuống.

Các loại trái cây bán tại siêu thị Co.opmart. Ảnh: Ngọc Ánh
Các loại trái cây bán tại siêu thị Co.opmart. Ảnh: Ngọc Ánh

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, hiện nay các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn đang giữ ở mức giá cao, trong bối cảnh giá xăng dầu đã có nhiều kỳ điều chỉnh giảm. Nguyên nhân giữ giá của các mặt hàng do nhiều yếu tố. Giá nhập hàng hoá từ các nhà cung cấp vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Bởi trên thực tế, nhà sản xuất cũng bị ảnh hưởng nhiều do nhập nguyên vật liệu ở mức giá cao, chi phí sản xuất tăng cao nên sản phẩm, hàng hoá thành phẩm đưa tới nhà bán lẻ cũng bị ảnh hưởng khá mạnh.

Như vậy, dễ dàng nhận thấy, giá hàng hóa tăng chóng mặt trong thời gian qua có một phần nguyên nhân từ việc giá xăng dầu liên tiếp tăng mạnh từ tháng 3 năm nay khiến chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao. Tuy nhiên, đến thời điểm, giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng nhiều mặt hàng vẫn chưa giảm giá tương ứng, cho thấy biểu hiện lạm dụng tình hình thị trường để tăng giá bất hợp lý.

Cần quyết liệt vào cuộc bình ổn giá

Trên thực tế, giá xăng đã giảm liên tiếp trong 5 kỳ vừa qua, người tiêu dùng đều trông chờ hàng hoá giảm giá theo. Tuy nhiên, hàng hoá tiêu dùng thiết yếu vẫn neo ở mức cao, số mặt hàng giảm lại không đáng kể. Hàng hoá tăng giá dẫn đến sức mua giảm do áp lực hàng hóa tăng giá đang đè nặng lên người tiêu dùng, trong khi thu nhập của người lao động sau đại dịch chưa tăng. Để thích nghi, người dân không còn cách nào khác buộc phải thắt chặt chi tiêu.

Phân tích về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, thông thường, khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến giá các loại hàng hóa khác và tạo nên mặt bằng giá mới. Thời điểm này, mặc dù giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng phía nhà cung ứng nguyên liệu, hàng hóa vẫn đang nghe ngóng, cân nhắc, còn đang nghi ngại liệu giá xăng có giảm ở mức bền vững không.

Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước phải can thiệp ngay từ đầu. Cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá, bao gồm: Xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục.

Khuyến nghị về các giải pháp để hàng hoá nhanh chóng hạ nhiệt, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của bộ ngành liên quan, nhằm giảm thủ tục hành chính, chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh... mà nhiều DN, đơn vị sản xuất vẫn đang tính toán gộp luôn vào giá thành sản phẩm.

 

Sau 5 lần giảm giá liên tiếp, hiện giá bán lẻ mỗi lít xăng, dầu đã giảm khoảng 7.580 - 8.200 đồng/lít/kg so với thời điểm tháng 6/2022 và về mức cuối tháng 10/2021. Mặc dù giá xăng, dầu đã giảm sâu, nhưng hầu hết các mặt hàng tiêu dùng vẫn ở mức giá cũ. Khi giá hàng hoá giảm chậm cũng cần xem xét trách nhiệm vào cuộc của các cơ quan lý nhà nước và các địa phương trong hoạt động thanh, kiểm tra DN, thị trường.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản về việc sẽ tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá. Với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Trước đó, phía Bộ Công thương cũng đã có động thái yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh/TP triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022.