Xăng dầu giảm giá, cước vận tải vẫn “trên trời”: Thất bại của cơ quan quản lý?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng, giá xăng dầu đã giảm giá sâu nhưng cước vận tải giảm chưa tương xứng, thậm chí không ít DN cố tình chây ỳ không giảm cước để ăn chênh lệch, ngày 22/2, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với các đơn vị có liên quan về vấn đề này.

Doanh nghiệp taxi đổ lỗi cho lái xe

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, cả nước hiện có khoảng 4.000 DN tham gia vận tải khách tuyến cố định, nhưng đến nay, các địa phương báo lên mới có khoảng 1.000 DN thực hiện kê khai giảm cước. Ngoài ra, cả nước hiện có khoảng 300.000 xe taxi của 1.000 DN, song nhiều đơn vị vẫn nại nhiều lý do để không giảm giá cước, điều này thể hiện sự thiếu sòng phẳng của DN với người tiêu dùng. “Giá xăng dầu cứ tăng một cái là DN điều chỉnh cước tăng ngay, trong khi xăng dầu giảm sâu nhiều lần liên tiếp thì lại không giảm với nhiều lý do như chi phí đầu vào, phí BOT… là điều không thể chấp nhận được” - ông Trường nêu vấn đề. 
Tùy từng loại hình thị trường mà chúng ta có cách quản lý khác nhau. Ví dụ, đối với mặt hàng điện, lộ trình quản lý giá là phù hợp. Còn với những mặt hàng như cước vận tải… để vận hành theo cơ chế thị trường, Nhà nước phải đứng ra là trọng tài. Nhà nước kiểm soát giá bằng cách kiểm tra, thanh tra những DN có mức giá bất hợp lý và có các quy chuẩn cụ thể để minh bạch các chi phí trong cơ cấu giá cước. Nhưng thực tế thời gian qua, những công cụ này vẫn chưa được hoàn thiện và cơ quan quản lý thực tế vẫn bị động điều tiết thị trường.
Chuyên gia kinh tế  Ngô Trí Long

Đề cập đến việc nhiều DN “vô cảm” với giá xăng dầu nhằm hưởng chênh lệch, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, thực tế có nhiều DN làm ăn chân chính, thực hiện tốt việc giảm giá nhưng cũng không ít DN làm ăn bậy bạ, ảnh hưởng đến vận tải nói chung. Trong khi đó, theo ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, không phải các DN “vô cảm” với giá xăng dầu, mà do nhiều lý do, đặc biệt là việc khoán trắng cho lái xe nên chưa thể giảm giá cước ngay được. Theo ông Hỷ, giá xăng giảm mà cước taxi không giảm hoặc giảm ít thì lái xe được lợi chứ DN không có lợi gì? Bởi, hiện tại hầu hết các hãng taxi đều khoán trắng cho lái xe và ăn chia theo tỷ lệ nhất định. Khi giá xăng tăng mà cước taxi không tăng thì tài xế neo xe không chạy, nhưng khi xăng giảm giá sâu thì tài xế được hưởng lợi nhiều nhất.

Đơn giản hóa thủ tục giảm giá cước

Theo đại diện các Hiệp hội vận tải, để chấm dứt tình trạng DN vận tải “vô cảm” với giá xăng dầu cần phải giảm thủ tục kê khai giá cước vận tải theo hướng nhanh và thuận tiện nhất, còn cứ nặng nề về con dấu thì rất khó để cải tiến. Đối với taxi, cần nghiên cứu để cho các DN chủ động việc tự mình điều chỉnh đồng hồ taximet để tránh việc chậm trễ, nhiêu khê, tốn kém. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ hậu kiểm, phát hiện DN làm sai thì xử lý nghiêm, thậm chí có thể rút giấy phép kinh doanh. Đồng tình với những ý kiến này, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, thế kỷ XXI rồi mà các bộ, ngành vẫn còn ngồi họp bàn để “ép” DN giảm giá cước vận tải là một sự thất bại trong quản lý: “Chúng ta phải quản lý bằng chế tài, bằng cơ chế chính sách, chứ không phải dùng mệnh lệnh hành chính để ép”.

Thừa nhận thủ tục kê khai giảm cước vận tải còn nhiêu khê, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, liên Bộ Tài chính - GTVT sẽ tính toán để đưa ra một biên độ nhất định của xăng dầu, tương ứng với mức tăng, giảm của cước vận tải. Việc đổi mới có thể theo hướng nếu xăng dầu tăng, giảm 10% thì DN vận tải tự động tăng, giảm cước mà không phải báo cáo… Cùng với đó, ông Trường đề nghị các DN vận tải trên cả nước phải công khai, minh bạch trong giá cước vận tải ngay trong tháng 2 này. Về phía cơ quan quản lý, ông Trường cũng cho biết, đối với Thông tư liên tịch 152 về điều hành giá cước vận tải, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính sớm hoàn tất và ban hành trong tháng 3 tới.
Sở Tài chính Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, 17 DN vận tải tuyến cố định, 22 DN taxi trên địa bàn kê khai giảm giá cước. Tuy nhiên, mức giảm chỉ từ 200 - 500 đồng/km. Cụ thể,  Công ty CP Mai Linh từ 200 - 400 đồng/km; giảm từ 2 - 3%; Công ty CP Thương mại Dịch vụ Thành Công giảm 500 đồng/km, Công ty CP Thanh Nga giảm 500 đồng/km… Trong khi nhiều DN lớn như Taxi Group, Ba Sao… vẫn án binh bất động.
Sở  hiện đã tiếp nhận hồ sơ  kê khai giảm giá cước của 61 DN kinh doanh vận tải, trong đó nhiều DN kê khai lại giá cước nhưng vẫn giữ nguyên giá kê khai liền kề trước đó. Lý do mà DN đưa ra là do đã nhiều lần giảm giá, ngoài ra, từ 1/1, lương tối thiểu vùng tăng lên; chi phí cầu đường cũng tăng mạnh, chiếm tương đương với chi phí xăng dầu trong cơ cấu giá thành vận tải.
Tư duy quản lý chưa theo kịp thị trường
Xăng dầu giảm giá, cước vận tải vẫn “trên trời”: Thất bại của cơ quan quản lý? - Ảnh 1Muốn giá hàng hóa tăng, giảm theo giá xăng dầu khi có biến động, đòi hỏi cơ quan quản lý phải chuyển mạnh tư duy theo hướng thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đó là khẳng định của ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.
Từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã liên tục 4 lần giảm giá, thế nhưng giá hàng hóa vẫn đứng im. Vì sao lại có tình trạng này ?
- Theo quy luật thị trường, khi giá xăng dầu giảm, giá hàng hóa phải giảm, tuy nhiên xăng dầu chỉ chiếm 2 - 3% giá thành sản phẩm, trong khi năm 2015, giá xăng dầu chỉ giảm khoảng 12% nên việc đòi hỏi DN giảm giá tương ứng là việc khó. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị luôn tồn kho một lượng hàng nhất định, nếu muốn tăng, giảm giá đều mất một thời gian kiểm kho nhất định cũng khiến giá hàng hóa không giảm ngay như mong muốn.
Điều đáng nói, hiện trong giá bán hàng hóa của hệ thống bán lẻ hiện đại đang phải chịu một khoản chi phí và nhiều loại thuế, phí khá lớn. Đơn cử, một quả trứng cõng đến 14 loại phí cũng là nguyên nhân DN bán lẻ không muốn giảm giá, thậm chí còn có cớ tăng lên. Đặc biệt, hàng hóa từ DN sản xuất đến tay người tiêu dùng phải qua quá nhiều khâu trung gian nên rất có thể xảy ra tình trạng làm giá, đầu cơ, độc quyền… cũng là nguyên nhân khiến giá hàng hóa không giảm.
Để giá hàng hóa giảm khi thị trường xăng dầu điều chỉnh giảm, theo ông, trong thời gian tới nên có giải pháp gì để khắc phục vấn đề này?
- Muốn hàng hóa tăng, giảm tiệm cận với thị trường xăng dầu đòi hỏi trong thời gian tới phải giải quyết cả vĩ mô lẫn vi mô. Về vĩ mô, cần giải quyết bài toán từ hệ thống phân phối, theo hướng giảm bớt khâu trung gian, DN đầu mối độc quyền. Đồng thời chính người tiêu dùng và DN bán lẻ nên đẩy mạnh áp dụng Luật Bảo vệ người tiêu dùng theo hướng đồng lòng “tẩy chay” không tiêu thụ những sản phẩm chỉ tăng chứ không giảm khi thị trường xăng dầu có biến động.
Đặc biệt, các ngành liên quan đến quản lý giá của các DN tham gia Chương trình bình ổn giá cần đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính trong quá trình thẩm định khung giá do DN xây dựng. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần phải có văn bản pháp quy rõ ràng, khi nào giá xăng giảm hay tăng thì đồng loạt hàng hóa phải tăng, giảm tương ứng.
Xin cảm ơn ông!
Lê Nam thực hiện