Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xăng dầu "phả hơi nóng" kéo giá tiêu dùng tăng cao

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt hàng tiêu dùng thiết yếu, rau xanh, thực phẩm tươi sống đã tăng giá theo xăng dầu, khiến người tiêu dùng méo mặt vì mọi chi phí đi lên.

Hình thành mặt bằng giá mới

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội cho thấy, từ đầu tháng 6/2022 đến nay, nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng giá từ 10 - 30% so với thời điểm cuối tháng 5.

Cụ thể, giá bắp cải trắng tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; Cải xanh từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ; Cà chua từ 16.000 đồng lên 20.000 đồng/kg. Tăng giá mạnh nhất là mặt hàng trứng gia cầm, hiện trứng gà ta lên đến 55.000 đồng/1 chục, trứng gà công nghiệp lên 37.000 đồng/1 chục. Trên các sàn thương mại điện tử, trứng gà loại 2 được bán 35.000 - 38.000 đồng/1chục, loại 1 có giá 45.000 - 48.000 đồng/1chục.

Không chỉ mặt hàng trứng gia cầm, rau xanh tăng giá mà mặt hàng dầu ăn, mỳ tôm, nước mắm cũng trong tình trạng tương tự, trong đó, mặt hàng dầu ăn tăng 10 - 20% so với thời điểm đầu năm. Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá 1 chai dầu Neptune loại 1 lít chỉ 50.000 đồng/chai, nhưng hiện mặt hàng này được bán với giá 60.000 đồng/chai, dầu Cái Lân từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng/1 lít, dầu Mezan từ 45.000 đồng/lít lên 55.000 đồng/lít, dầu Simply từ 50.000 đồng/lít lên 60.000 đồng/lít.

Người tiêu dùng mua rau xanh tại siêu thị Big C Thăng Long
Người tiêu dùng mua rau xanh tại siêu thị Big C Thăng Long

Ngay cả mặt hàng mỳ tôm, nước mắm cũng đồng loạt rủ nhau tăng giá. Chị Kim Liên kinh doanh hàng tạp hóa tại chợ Trung Tự (quận Đống Đa) cho biết, hiện mỳ ăn liền nhãn hiệu Omachi, Kokomi, Ba Miền đều tăng 5.000 - 10.000 đồng/thùng, nước mắm Nam Ngư từ 40.000 đồng/chai lên 43.000 đồng/chai, Chinsu từ 35.000 đồng/chai lên 40.000 đồng/chai, Đệ Nhị từ 17.000 đồng/chai tăng lên 20.000 đồng/chai.  

Giá rau xanh, trứng gia cầm, dầu ăn, mỳ tôm… tăng giá khiến quán kinh doanh ăn uống phải tăng giá theo. Anh Lâm chủ quán cơm rang, phở bò Cồ Sơn trên đường Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) chia sẻ, giá thực phẩm thiết yếu đầu vào đều tăng 20 - 30% so với đầu năm, buộc cửa hàng phải nâng giá thêm 5.000 đồng/bát phở để bù giá, nếu không tăng thì thua lỗ.

 

Nhằm ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, ngành công thương Hà Nội sẽ cùng các doanh nghiệp nỗ lực bình ổn giá, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng tập trung kết nối cung cầu, bảo đảm sản xuất; phối hợp với Sở NN&PTNT tập trung nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, giảm nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh để giảm chi phí kho bãi, qua đó hạn chế tối đa việc tăng giá hàng hóa.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Nhằm kìm hãm giá tiêu dùng, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá. Giám đốc Co.op mart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, nhằm giúp người tiêu dùng tiết kiệm mua sắm giữa thời điểm "bão giá", hiện 130 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên cả nước tổ chức chương trình khuyến mại “Mua nhiều ưu đãi lớn", qua đó giảm giá 15% cho mặt hàng thực phẩm, rau xanh. Đồng thời siêu thị Co.opmart đưa ra thị trường sản phẩm nhãn riêng Co.op Select với giá thấp hơn 20% sản phẩm tương tự.

“Dầu tinh luyện Co.op Select chai 1 lít được bán với giá 41.500 đồng/chai, dầu đậu nành chai 5 lít có giá 221.500 đồng/chai” - bà Nguyễn Thị Kim Dung nêu ví dụ.

Đại diện hệ thống Win Mart cho biết, để hỗ trợ người tiêu dùng, hệ thống siêu thị Win Mart liên tục tổ chức chương trình giảm giá mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu. Đơn cử, nước mắm cá cơm TP 67.000 đồng còn 52.500 đồng/chai 610ml, dầu ôliu Oilvoil 92.500 đồng còn 78.600 đồng/chai; dầu đậu nành Simply từ 149.500 đồng còn 125.300 đồng/chai 2 lít.

Tăng giá thực phẩm sẽ đẩy chỉ số tiêu dùng tăng cao

Các chuyên gia kinh tế và một số tổ chức quốc tế cảnh báo việc thực phẩm tăng giá sẽ đẩy chỉ số tiêu dùng (CPI) và lạm phát những tháng cuối năm 2022 tăng cao.

Đại diện Ngân hàng Standard Chartered dự báo, lạm phát của Việt Nam năm 2022 vào khoảng 3,8 - 4%, thậm chí có thể lên đến 4,5% khi từ nay đến cuối năm, nền kinh tế thế giới nhiều biến động bởi giá dầu thô và nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tăng do xung đột Nga - Ukraine.

Người tiêu dùng mua dầu ăn tại siêu thị Co.op Mart
Người tiêu dùng mua dầu ăn tại siêu thị Co.op Mart

Nói về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nêu rõ, mặc dù 5 tháng đầu năm 2022 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chưa nói lên “sức nóng” của việc giá hàng hóa biến động tăng sau khi xăng dầu liên tục tăng giá.

“Trong thời gian tới, tốc độ diễn biến thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ thay đổi đáng kể khi giá xăng, dầu phả “hơi nóng” vào giỏ hàng thực phẩm, chi tiêu của người dân” - bà Vũ Thị Hậu nhấn mạnh.

Đồng tình với phân tích này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 là rất lớn, bởi ngoài ảnh hưởng của giá xăng dầu, thì nhóm hàng thực phẩm và nguyên liệu đầu vào tăng giá cũng gây áp lực lên lạm phát.

“Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, chiếm 3,52% tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình nên biến động giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và hàng tiêu dùng. Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%, trong khi sản xuất xăng dầu trong nước phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu dầu thô nên sẽ phụ thuộc vào biến động giá thế giới” - ông Nguyễn Minh Phong nêu rõ.

Để đảm bảo ổn định thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu từ đó có biện pháp điều tiết kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong quá trình điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá. Ngoài ra, phối hợp với sở công thương các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường.

Với giá xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước. Qua đó, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.