Anh Lê Văn Tư (Hà Nội) - tài xế của hãng taxi Mai Linh cho hay, hiện tại, tài xế của các hàng taxi truyền thống đang rất khó khăn do người dân hạn chế đi lại. Nhằm kích cầu khách hàng, nhiều tài xế bất đắc dĩ lựa chọn cách “chạy phá giá” để có khách. Theo anh Tư, thời điểm này, không ít tài xế đã “đắp chiếu” xe, giờ lại cộng thêm tăng giá xăng thì đúng là khó chồng khó bởi nếu chạy chỉ càng thêm lỗ. “Trung bình 1 ngày, tôi chạy khoảng 100km, trong đó khoảng 50km là có khách với doanh thu 500.000 đồng/ngày, song phải chi phí tới 300.000 đồng, gồm: 120.000 đồng tiền xăng, 80.000 đồng phí gọi đàm của hãng, 100.000 đồng phí cầu đường. Đó là chưa kể các loại phí cộng gộp hàng tháng khác và khấu hao xe. Như vậy, thời điểm này, tài xế chạy xe gần như là không có lãi, thậm chí là lỗ nếu giá xăng tiếp tục tăng vào các kỳ điều chỉnh tới” – anh Tư phân trần.Ở góc độ DN vận tải hành khách theo tuyến cố định, Giám đốc Công ty CP Vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hơn 70% số xe khách và xe taxi của công ty tạm dừng hoạt động. Nay giá xăng được điều chỉnh tăng trong bối cảnh khó khăn hiện nay ít nhiều có ảnh hưởng tới DN nhưng DN này cũng chưa nghĩ tới chuyện điều chỉnh tăng giá cước theo giá xăng. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có tới 70 – 80% DN vận tải trên địa bàn TP phải giảm dần và ngưng hoạt động, dẫn đến nguồn doanh thu của các DN vận tải giảm sút hoặc không có. Cùng với đó, DN vẫn phải “gồng mình” chi trả một số khoản chi phí định kỳ như: Lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, phí kiểm định và phí sử dụng đường bộ, phí bến bãi… Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động và hoạt động của các DN.Áp lực tăng lạm phát?Theo phản ánh của các tiểu thương ở một số chợ trên địa bàn TP như Hà Đông, Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), Thành Công (Ba Đình), giá hàng hóa sẽ không tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng mà có độ trễ hơn. Tuy nhiên, tới đây giá rau củ quả và nhiều mặt hàng thiết yếu khác chắc chắn sẽ tăng bởi cước phí vận chuyển những mặt hàng này tăng theo giá xăng dầu.Nhận định về tác động của việc tăng giá xăng, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, từ tháng 12/2020 đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng, sẽ tạo áp lực cho lạm phát. Giá xăng dầu tăng cũng có thể tác động tiêu cực đến tiêu dùng của người dân và hoạt động của DN trong nước. Các DN, đặc biệt là DN vận tải sẽ chịu áp lực tăng chi phí đầu vào (do giá xăng dầu chiếm đến 40% đầu vào quyết định giá thành vận tải), từ đó dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Theo báo cáo chuyên đề của Công ty chứng khoán KB Securities (KBSV) công bố mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhận xét, dù giá xăng bán lẻ bình quân trong tháng 2 đã tăng hơn 4% so với tháng 1, tuy nhiên vẫn giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, do vậy áp lực từ nhóm hàng này lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tháng 2 là không nhiều. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát ngay trước dịp Tết Nguyên đán đã làm "hạ nhiệt" nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân vào Tết Nguyên đán và giúp mặt bằng giá không tăng mạnh như các năm trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích KBSV dự báo, áp lực lạm phát có thể tăng mạnh vào quý II/2021.Các chuyên gia phân tích KBSV ước tính, CPI bình quân 2021 có thể tăng vượt mốc 4% nếu giá xăng RON95 bình quân 2021 tăng 30% so với cùng kỳ (tương đương mức 20.500 đồng/lít, cao hơn 13,4% so với mức hiện tại). Nếu rủi ro này xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước có thể phải áp dụng các chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiềm chế lạm phát (tăng lãi suất, giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng), qua đó sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến dòng tiền trên thị trường cổ phiếu.
Bộ Công Thương cần có động thái lý giải cụ thể, rõ ràng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu để DN, người dân đươc biết và chia sẻ. Đơn cử như, mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày, Bộ Công Thương cần phải công khai, minh bạch sau xả Quỹ bình ổn còn bao nhiêu? Quỹ bình ổn có khả năng xả ở mức nào để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu?Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng |
Giá nhiên liệu tăng kéo CPI tăng mạnhTổng cục Thống kê ngày 28/2 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng trước – mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12/2020.Có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng giữ ổn định giá. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 4%, trong đó: Giá điện sinh hoạt tháng 2 tăng 20,06%, giá gas tăng 6,74% và giá dầu hỏa tăng 4,35%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,61%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Nhóm giao thông tăng 1,55% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 26/1.Tại Hà Nội, theo Cục Thống kê TP Hà Nội, CPI tháng 2/2021 tăng 1,8% so với tháng trước, tăng 1,75% so với tháng 12/2020 và tăng 0,43% so với cùng kỳ năm trước với 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng. Tuy nhiên, CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,5% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. (Trâm Anh) |