Lo ngại ảnh hưởng dây chuyền
Giá xăng tại Việt Nam đã tăng cao, từ 25.531 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 26.280 đồng/lít xăng RON 95. Tâm lý chung của người tiêu dùng khi nghe tin giá xăng tăng lên mức cao nhất lịch sử là lo ngại giá hàng hóa thiết yếu trong những ngày tới sẽ "tát nước theo mưa", tác động lớn đến chi tiêu hằng ngày. Không ít người đã tính đến phương án phải cân đối lại tài chính, thắt chặt chi tiêu hàng ngày.
Chia sẻ với phóng viên, anh Lê Sơn Tùng (trú tại Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) cho biết, với mức tăng gần 1.000 đồng/lít, chỉ nhẩm tính đơn giản, chi phí đổ đầy bình xăng cho các xe ô tô phổ thông như Toyota Camry tăng khoảng 70.000 - 80.000 đồng, trong khi các mẫu xe lớn hơn như Land Cruiser có thể từ 120.000 - 150.000 đồng.
Chưa kể, vì tính chất công việc nên anh Tùng phải đi làm trên quãng đường tính cả đi và về là hơn 100km. "Với chiếc xe của tôi hiện tại (Nissan Navara) để đổ đầy bình xăng phải tốn thêm khoảng từ 80.000 - 100.000 đồng, nếu cộng dồn nhiều ngày đây là một khoản tiền rất lớn" - anh Tùng nói.
Giá xăng tăng cũng khiến cho những tài xế công nghệ, shipper ngao ngán. Ông Nguyễn Văn Nam, tài xế Grab cho biết, sau 7 tháng về quê do dịch bệnh, ông vừa mới lên Hà Nội sau khi hãng đã thông báo hoạt động trở lại, niềm vui làm việc chưa được bao lâu thì xuất hiện nỗi lo khi xăng, dầu tăng giá, ảnh hưởng trực tiếp ngay từ khâu "đầu vào".
"Vài ngày trước, tôi đổ đầy bình xăng xe máy hết hơn 50.000 đồng nhưng giờ đây để đổ đầy bình hết 60.000 đồng. Tôi thực sự rất khó nghĩ khi phải di chuyển trên đường, xăng là nhiên liệu bắt buộc phải chi, không thể tiết kiệm được. Giờ xăng tăng giá, tiền công lại không thể tăng, thu nhập để mang về cho gia đình phải tính toán thu chi lại" - ông Nam chia sẻ.
Xăng tăng giá đã khiến cước vận chuyển, "ship" đồ tăng theo. Chị Nguyễn Hà Thu (trú tại Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ) cho biết thường xuyên sử dụng các ứng dụng vận chuyển để mua đồ ăn uống. "Mấy ngày nay, tiền ship tăng khoảng 10% giá cước. Những cung đường trước đây chỉ hết 15 - 20.000 đồng thì giờ giá thoả thuận đã lên 25 - 30.000 đồng" - chị Thu cho hay.
Hầu hết tài xế công nghệ hy vọng, bên cạnh dịch Covid-19 sẽ sớm được dập tắt, cần có biện pháp kiểm soát giá cả hàng hoá để nhịp sống kinh tế - xã hội trở lại bình thường, giúp họ mưu sinh thuận lợi hơn.
Không để "ăn theo" giá xăng, dầu
Nhiều chuyên gia đánh giá, tình trạng giá xăng, dầu tăng dễ khiến giá dịch vụ, hàng hóa tăng theo. Vì vậy, việc kiểm soát giá cả các loại dịch vụ hàng hoá và một số dịch vụ thiết yếu cần phải được đặt lên hàng đầu để ổn định cuộc sống người dân.
Hiện Bộ Công Thương triển khai một số giải pháp cần thiết, như đảm bảo nguồn cung; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng, dầu; xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.
Về điều hành giá, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với bộ, ngành có liên quan chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo điều hành giá các phương án điều hành phù hợp, nhằm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. Theo đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng, dầu thế giới và làm tốt công tác dự báo; cân đối sử dụng công cụ tài chính là Quỹ Bình ổn giá một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá.
Bên cạnh đó, ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 160/CĐ-TTg về việc bảo đảm cung ứng xăng, dầu cho thị trường trong nước. Công điện yêu cầu Bộ trưởng nhiều bộ, ngành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các giải pháp để bình ổn giá xăng, dầu, cũng như ổn định sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Từ ngày 21/2, giá xăng, dầu được điều chỉnh lên mức cao kỷ lục: Giá xăng E5 RON92 lên 25.532 đồng/lít, tăng 961 đồng/lít so với trước đó; xăng RON95 lên 26.287 đồng/lít, tăng 965 đồng/lít.
Với sự tăng này, giá xăng RON95 vượt mức "đỉnh" vào tháng 7/2014 (26.140 đồng một lít). Trong khi đó, giá E5 RON92 chỉ thấp hơn mức "đỉnh" thời điểm này khoảng 110 đồng một lít.