Xăng tăng giá: Không bất ngờ nhưng gây "sốc"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc điều chỉnh giá xăng trong nước hôm nay thêm 2.900 đồng/lít dù thời điểm điều chỉnh được cho là không bất ngờ nhưng với nhiều người đây là mức tăng gây "sốc".

KTĐT - Việc điều chỉnh giá xăng trong nước hôm nay thêm 2.900 đồng/lít dù thời điểm điều chỉnh được cho là không bất ngờ nhưng với nhiều người đây là mức tăng gây "sốc".

Theo ghi nhận của PV lúc 9 giờ 35 phút, tức là trước thời điểm có thông tin về điều chỉnh giá xăng dầu trong nước 25 phút, thì tại nhiều cây xăng trên địa bàn Hà Nội, lượng người đến đổ xăng rất đông gây ách tắc cục bộ.

Tại một cửa hàng xăng trên phố Nguyễn Đình Chiểu của công ty xăng dầu chất đốt Hà Nội, hàng trăm người chen nhau chờ đến lượt, thậm chí không có lối ra.

Không khí càng căng thẳng khi người đổ được xăng thì hả hê, còn những người chờ xếp hàng chưa đến lượt lại liên tục trách cứ những người phía trước đang chậm trễ.

Đang đứng chờ đổ xăng, chị Nguyễn Thu Phương, quận Hai Bà Trưng Hà Nội cho biết, vừa đi ngang qua thấy nhiều người đứng xếp hàng nên cũng tranh thủ mua thêm vài lít.

Dù thông tin tăng giá xăng đã rậm rịch cả tháng nay rồi, nhưng theo chị thì lần điều chỉnh này xem ra là khá “sốc.”

“Điện vừa tăng 15,3% đã phải cân đối lại chi tiêu, giờ lại thêm xăng tăng giá thì không biết giá cả ngoài chợ sẽ ra sao,” chị Phương băn khoăn.

Tuy nhiên, một người dân đang đổ xăng phía trước lại cho rằng, việc điều chỉnh như vậy cũng phù hợp vì Nhà nước đã phải bù lỗ cho mặt hàng này rất nhiều và việc tăng giá cũng nhằm chia sẻ lợi ích giữa nhà nước và người dân.

“Mỗi ngày tôi chỉ sử dụng khoảng 0,5 lít xăng, như vậy cả tháng cũng chỉ phải trả thêm gần 30.000 đồng cũng chỉ bằng một bát phở mà thôi,” người này nói.

Mặc dù, khía cạnh điều chỉnh giá xăng cũng được nhiều công ty vận tải lên kế hoạch từ đầu năm, nhưng với mức giá này cũng khiến ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội tỏ ra bất ngờ.

Ông Hùng cho biết, Hiệp hội sẽ có cuộc họp ngay với các doanh nghiệp vận tại để đánh giá những tác động.“Nhưng có điều chỉnh giá thì cũng phải đảm bảo hài hàa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, có tính đến cả yếu tố cạnh tranh nữa,” ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm, Giám đốc phụ trách vận tải công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Đạt Express, trên phố Nguyễn Sơn cũng chia sẻ, việc tăng giá xăng dầu lần này khiến cho lợi nhuận cả năm phải xem xét lại.

Vì mỗi tháng doanh nghiệp này thường vận chuyển hàng trăm container đi khắp cả nước, trong đó chi phí cho xăng dầu từ 3,5-4 tỷ đồng, chiếm 40% tổng chi phí của doanh nghiệp.

“Lợi nhuận chắc chắn sẽ giảm nhưng quan trọng hơn là không phải đối tác nào cũng đồng ý cho tăng giá và nếu có tăng giá thì còn phải ngó các đối thủ khác xem họ có tăng hay không nữa,” ông Lâm bày tỏ.

Theo các chuyên gia, sở dĩ phải tăng giá như vậy là nhằm tránh việc đầu cơ gây xáo trộn mặt hàng này trên thị trường gây bức xúc dư luận trong suốt thời gian vừa qua.

Trong khi thuế nhập khẩu xăng dầu đã phải điều chỉnh xuống 0%, còn quỹ bình ổn giá cũng cạn kiệt từ cuối tháng Một.

Bên cạnh đó, do mức chênh lệch giá bán xăng dầu của Việt Nam với nhiều nước là quá cao (từ 6.000 đồng-8.000 đồng so với các nước láng giiếng) cũng khiến cho nạn xuất lậu tại các tỉnh biên giới Tây Nam thêm phức tạp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, cho rằng, việc điều chỉnh giá xăng dầu có thể tác động trực tiếp khiến CPI tăng từ 0,4-0,5%,  nhưng nếu tác động gián tiếp thì khó có thể tính hết được.

“Do vậy, nếu không kiểm soát tốt yếu tố tâm lý thị trường thì  giá cả sẽ còn vọt lên, vì vậy, cần sự nỗ lực, cố gắng, đồng thuận, chia sẻ của tất cả xã hội, của toàn dân và tất cả doanh nghiệp,” ông Thành nhấn mạnh./.