70 năm giải phóng Thủ đô

Xây dựng bãi đỗ xe ngầm: Nhà đầu tư còn nhiều trăn trở

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ trương xây dựng các bãi đỗ xe ngầm kết hợp tạo cảnh quan đô thị là hướng đi đúng đắn nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh đang ngày càng bức thiết của Hà Nội.

Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế, các dự án bãi đỗ xe ngầm lại gặp không ít khó khăn, khiến nhà đầu tư còn nhiều trăn trở.
Cơ chế chưa thông thoáng

Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội cần đạt chỉ tiêu dành 3 - 4% đất xây dựng đô thị cho giao thông tĩnh nhưng trên thực tế, đến nay con số này vẫn ở mức dưới 1%, trong khi lượng phương tiện của TP đã tăng lên đến trên 6 triệu chiếc. Để giải quyết nhu cầu bức thiết về chỗ đỗ xe cho người dân, TP đã xác định phải đa dạng hoá loại hình giao thông tĩnh, trong đó tập trung đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng để tạn dụng không gian, giảm áp lực lên quỹ đất đô thị.
 Bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì Hạ. Ảnh: Ngọc Hải
Nhiều cơ chế, chính sách, ưu tiên cho các dự án bãi đỗ xe ngầm cũng đã được thông qua như hỗ trợ tiền thuê đất trong 10 năm đầu; miễn thuế nhập khẩu thiết bị, dây chuyền; tăng diện tích sử dụng đất cho mục đích dịch vụ thương mại lên 30%... Tuy nhiên, trên thực tế, một số chính sách hỗ trợ chưa được triển khai kịp thời, khiến nhà đầu tư lo ngại.

Đơn cử, trường hợp dự án Công viên - bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm. Bãi đỗ xe này đã đi vào hoạt động từ năm 2019 với công suất 650 xe/3 tầng hầm. Bề mặt nổi là một công viên và nhà sinh hoạt cộng đồng, do chủ đầu tư dự án chịu chi phí duy trì, vận hành.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Tây Hồ Lê Hải Phương cho biết: “Đơn vị đã nộp đủ tiền thuê đất trong 50 năm và có văn bản đề nghị TP hỗ trợ cấp lại 10 năm tiền thuê ban đầu nhưng đến nay chưa được phản hồi. Việc sử dụng một phần đất dự án vào mục đích dịch vụ, thương mại cũng chưa có chấp thuận cụ thể”. Với số vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng đã bỏ ra, có thể hiểu được, chủ đầu tư bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì Hạ khó lòng yên tâm khi mà các phương án thu hồi vốn cũng như khoản hỗ trợ của TP chưa được cụ thể hoá.

Ông Lê Hải Phương cho biết thêm, hiện đơn vị cũng đang đề xuất được thực hiện tiếp một số dự án bãi đỗ xe ngầm khác, tuy nhiên thủ tục khá phức tạp. Một số DN có nguyện vọng muốn đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm cũng cho hay, hiện nhiều vị trí theo quy hoạch được phép xây dựng bãi đỗ xe ngầm nhưng việc giao đất lại khá khó khăn. Có vị trí đất công như Công viên Thủ Lệ, muốn giao phải qua đấu thầu thực hiện dự án; DN cũng sẵn sàng đấu thầu sòng phẳng, công khai, nhưng “tắc” ở chủ trương dẫn đến đất thừa mà chỗ đỗ xe lại thiếu.

Lãng phí nguồn lực

Các chuyên gia cho rằng, việc để các khu đất nằm không trong khi nhu cầu về bãi đỗ xe đang vô cùng lớn là một sự lãng phí. Thạc sĩ giao thông đô thị Vũ Hoàng Chung phân tích, ví dụ như lô đất tại số 295 Lê Duẩn, nằm trong khuôn viên Công viên Thống Nhất. Đây từng là dự án khách sạn bị dừng triển khai nhưng đã có sẵn 3 tầng ngầm với tổng diện tích gần 17.000m2, đáp ứng khoảng 400 chỗ đỗ xe.
Nhiều năm nay lô đất vẫn đóng cửa im lìm, trong khi người dân đến công viên và các vùng phụ cận thiếu chỗ gửi xe. “Thực tế đó cho thấy sự lãng phí rất lớn nguồn lực đất đai của TP trong lĩnh vực giao thông tĩnh” - ông Chung nhận định.

Một nỗi lo khác của các nhà đầu tư là nguồn thu của dự án không đảm bảo, bấp bênh do sự buông lỏng quản lý đô thị. Như tại Bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì Hạ, khu vực xung quanh với đường sá nhỏ hẹp đã được cắm biển cấm nhưng vẫn nhan nhản xe ô tô dừng đỗ, thậm chí có cả các bãi xe lậu xung quanh với giá gửi rẻ hơn.
Hệ quả là dù được thiết kế với 650 chỗ đỗ nhưng Bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì Hạ chỉ đạt khoảng 50% công suất, doanh thu chỉ đủ bù cho chi phí vận hành, duy tu, duy trì, còn chưa đủ cân đối nếu tính cả khấu hao thiết bị và tiền thuê đất.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ, muốn khuyến khích các nhà đầu tư, Hà Nội cần cụ thể hoá các chính sách, cơ chế hỗ trợ. Ví dụ như hỗ trợ tiền thuê đất 10 năm thì trừ ngay ban đầu cho nhà đầu tư, bớt một khâu thủ tục phức tạp nộp lên rồi trả lại như hiện nay.
Khi các dự án đi vào hoạt động phải xử lý dứt điểm bãi xe lậu, vi phạm dừng đỗ trên đường phố xung quanh. “Đặc biệt, việc giao đất làm dự án nên có chủ trương rõ ràng, nhanh chóng, những vị trí đã được quy hoạch cần sớm đưa ra đấu thầu, kêu gọi đầu tư, tránh tình trạng nguồn lực thì bị lãng phí mà áp lực lên hạ tầng giao thông tĩnh lại không ngừng tăng cao” - ông Chung nhận định.

"Sở GTVT đã tham mưu cho TP xây dựng lại quy hoạch lại hệ thống điểm đỗ xe, bến bãi đỗ xe, trong đó có các vị trí xác định thực hiện bãi đỗ xe ngầm. Tuy nhiên, việc triển khai dự án, tháo gỡ các vướng mắc về chơ chế chính sách cần sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các sở, ngành, đơn vị liên quan. Hiện TP Hà Nội đang rất quan tâm đến vấn đề này." - Đại diện Sở GTVT Hà Nội