Xây dựng chiến lược quản lý khai thác khoáng sản giai đoạn mới

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dựa trên những hạn chế vì các nguyên nhân khách quan, chủ quan, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đưa những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho định hướng chiến lược khoáng sản, công nghiệp khai khoáng trong giai đoạn mới.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (ĐC&KS) đã hoàn thiện Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược 2427) và đưa vào nội dung Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bộ TN&MT đã gửi lấy ý kiến của 9 Bộ, ngành liên quan và 63 tỉnh, TP.

Đồng thời, Tổng cục ĐC&KS cũng tiếp thu ý kiến, soạn thảo dự thảo Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Tờ trình Thủ tướng Chính phủ; gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan; các địa phương về Dự thảo. Dựa trên sự đánh giá những tồn tại, hạn chế vì nguyên nhân khách quan, chủ quan có tác động trực tiếp tới thực hiện Chiến lược khoáng sản 2427. Từ đó, đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho định hướng chiến lược khoáng sản, công nghiệp khai khoáng trong giai đoạn mới.

Hoạt động khai thác khoáng sản. Ảnh: monre.gov.vn
Hoạt động khai thác khoáng sản. Ảnh: monre.gov.vn

Theo đó, Dự thảo được thực hiện trên cơ sở Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22/7/2022 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Mục tiêu tổng quát của Dự thảo là hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành công tác điều tra địa chất khoáng sản biển tỷ lệ 1:500.000 vùng nước sâu; đánh giá làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản phục vụ quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và dự trữ quốc gia; đẩy mạnh điều tra, đánh giá, cung cấp thông tin, dữ liệu tin cậy về các điều kiện địa chất khác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến khoáng sản đến năm 2050 đối với một số loại khoáng sản cụ thể; cân đối giữa khai thác với dự trữ khoáng sản quốc gia đối với một số khoáng sản quan trọng, quy mô lớn làm cơ sở phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Mặt khác, quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản; đầu tư công nghệ thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đạt trình độ các nước tiên tiến khu vực châu Á và các nước phát triển, hình thành công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” trước năm 2050.

5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, nâng cao chất lượng, giảm thiểu rủi ro, hạn chế các dự án đầu tư, khai thác, chế biến khoáng sản và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, đề cập đến các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cụ thể, định hướng phát triển về địa chất, về khoáng sản và về công nghiệp khai khoáng

Tổng cục ĐC&KS Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về Dự thảo này. Chủ yếu là các kiến nghị có ý nghĩa đóng góp cho 5 mục tiêu cụ thể đã được đưa ra. Tổng cục đã tiếp thu các ý kiến này và đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo.

Trong khi chờ lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, Bộ đã giao Tổng cục tổ chức hai hội thảo để lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan cho các dự thảo; hoàn thành Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược để trình Bộ TN&MT phê duyệt. Sau đó, Bộ TN&MT tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết, Tờ trình, dự thảo Chiến lược mới, hoàn thiện hồ sơ để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần