Xây dựng Chính phủ gọn nhẹ, năng động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 21/11, thảo luận về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nhiều ĐB cho rằng, cần...

Kinhtedothi - Chiều 21/11, thảo luận về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nhiều ĐB cho rằng, cần quy định cứng số lượng Thứ trưởng vào trong Luật để hạn chế quá nhiều cấp phó.

Cần quy định số lượng cấp phó 

Dẫn ra tình trạng bộ máy cồng kềnh do có quá nhiều lãnh đạo và hướng tới mục tiêu là phải xây dựng Chính phủ gọn nhẹ, năng động, nhiều ĐB đề xuất, ngoài quy định cứng trong Luật về số lượng cấp phó, nếu bổ sung thêm Thứ trưởng thì Chính phủ căn cứ theo chức năng nhiệm vụ và chỉ được bổ sung thêm một Thứ trưởng. ĐB Nguyễn Doãn Khánh (đoàn Phú Thọ) cho rằng, cần quy định rõ cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ trong Luật. ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị, số lượng bộ, các cơ quan ngang bộ thì phải trình Quốc hội quyết định. ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) đồng tình và cho rằng, Luật phải ghi rõ cơ chế cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ để đảm bảo không "đẻ" thêm "ghế" nào. 

 
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến.         Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Cũng với vấn đề quy định số lượng bộ, cơ quan ngang bộ vào trong Luật, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đề nghị thêm: Cần tăng thêm quyền hạn cho Thủ tướng vào trong Luật. Bởi nếu giao cho Chính phủ thì sau này giải quyết rất khó khăn: "Vừa qua, khi nói về lạm phát cấp phó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đề cập đến là muốn quy định "cứng" số lượng cấp phó nhưng khi đem ra bỏ phiếu thì đều không quá bán. Vì vậy, nên để Thủ tướng quyết định những vấn đề gay cấn, và Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Nhân dân".
Thời hạn tại ngũ nâng lên 24 tháng

Sáng 21/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, thời hạn phục vụ tại ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời bình là 24 tháng là hợp lý, bởi "binh khí kỹ thuật ngày càng hiện đại, nếu không có đủ thời gian huấn luyện thì không đáp ứng được yêu cầu". Về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ trong thời bình, nhiều ĐB nhất trí là cần giảm đối tượng này, nhưng cũng nên cân nhắc quy định việc miễn gọi nhập ngũ đối với thanh niên tình nguyện, cán bộ, công chức, viên chức được cử đến công tác, làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… 

Quanh đề xuất du học sinh đi học, chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự có thể đóng tiền thế chân, nếu không thực hiện sẽ bị thu số tiền đó hoặc phạt đóng cao gấp nhiều lần, nhiều ĐB phản đối vì đây ngoài là trách nhiệm của công dân còn là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân nên không thể dùng tiền thay cho nghĩa vụ thiêng liêng cao cả đó được…
Nhiều ý kiến cũng đề xuất, xác định các đầu mối trực thuộc Chính phủ cần hết sức cân nhắc việc đưa các dịch vụ công vào vì sẽ làm tăng thêm bộ máy và dễ chồng chéo với các bộ, ngành; đây là đơn vị sự nghiệp, không phải là các cơ quan hành chính. 

Phân cấp phải rõ ràng

Cũng liên quan đến vấn đề quyền hạn của Thủ tướng, nhiều ĐB cho rằng, tăng quyền hạn là để Thủ tướng tăng tính trách nhiệm trước Quốc hội, trước dân, nhất là trong trường hợp phải xử lý các sự cố quan trọng. ĐB Bùi Sĩ Lợi (đoàn Thanh Hóa) nêu ý kiến: Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua cơ quan đại chúng về những vấn đề quan trọng. Cần làm rõ những vấn đề quan trọng là gì, không nên chỉ chép lại nội dung trong Hiến pháp. Đồng thời ghi rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ cả về hành pháp, kinh tế. Quyền hạn của Chính phủ với các địa phương cũng cần quy định rõ ràng hơn. ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) thì đề xuất, khi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP ban hành các văn bản, chính sách hoặc có hành vi làm xâm phạm đến lợi ích của đất nước thì Thủ tướng có quyền đình chỉ mà không chờ phải xem xét có trái với Hiến pháp hay không.

Sự rõ ràng trong phân cấp của Chính phủ đối với địa phương cũng là vấn đề cần được Luật điều chỉnh. ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, vấn đề tồn tại lớn nhất trong điều hành hiện nay của Chính phủ là không làm rõ trách nhiệm công vụ: Cái gì là trách nhiệm của Chính phủ, cái gì là trách nhiệm của địa phương? ĐB Trần Du Lịch dẫn chứng: "Như vấn đề hàng giả chẳng hạn, khi hàng giả xảy ra tại địa phương thì thuộc cấp nào chưa làm rõ. Nếu trong công tác chỉ đạo điều hành là trách nhiệm của Chính phủ, còn bày bán hàng giả tràn lan là thuộc trách nhiệm chính quyền địa phương". Từ đó, ĐB Trần Du Lịch cho rằng: Nếu Luật không làm rõ được trách nhiệm công vụ thì không giải quyết được mọi vấn đề bất cập lâu nay. ĐB Võ Thị Hồng Thoại (đoàn An Giang) cũng yêu cầu lần sửa Luật này phải làm rõ trách nhiệm của sự phân cấp. Trong đó cần làm rõ chế tài xử lý trách nhiệm của những người đứng đầu cấp dưới khi không thực thi đúng trách nhiệm mà Chính phủ giao.
Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không
Sáng 21/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Trong đó, để khắc phục tình trạng DN lợi dụng vị thế độc quyền để nâng giá dịch vụ, nhất là đối với một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu, Luật đã quy định theo hướng, Nhà nước định giá đối với các dịch vụ hàng không và một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu. Giá các dịch vụ, hàng hóa thông thường khác vẫn được điều tiết theo cơ chế thị trường do DN quyết định nhưng phải thực hiện niêm yết công khai; vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của DN. Luật cũng bổ sung trách nhiệm phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần