Đoàn giám sát của HĐND Thành phố do Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên làm trưởng đoàn, thực hiện giám sát theo Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND Thành phố; Kế hoạch số 07/KH-DGS ngày 7/4/2023 của Đoàn giám sát HĐND Thành phố.
Có 33/35 thủ tục hành chính được đưa lên dịch vụ công mức 3,4.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Sở đã luôn kịp thời, bám sát chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, công khai, dân chủ; Công tác cải cách tổ chức bộ máy của Sở được chú trọng, việc triển khai sắp xếp, kiện toàn đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, công khai, dân chủ và tập trung. Công tác đánh giá cán bộ công chức, viên chức đã được triển khai nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết công việc.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tổ chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, Sở TT&TT đã chú trọng đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ cơ quan, đặc biệt đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp...
Sở TT&TT đã chủ động xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; đã chủ động rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tham mưu UBND Thành phố ban hành các Quyết định phê duyệt các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính của Sở và Quyết định phê duyệt các quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực TT&TT thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trên địa bàn Thành phố. Đến nay, 100% (35/35) thủ tục hành chính thuộc thẩm quyển giải quyết của Sở được thực hiện theo cơ chế Một cửa, trong đó 33 thủ tục hành chính được đưa lên dịch vụ công mức 3,4.
Về kết quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số phục vụ hoạt động điều hành nội bộ, đến nay 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng. Từ tháng 6/2019, UBND Thành phố chính thức thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử (không gửi giấy) với cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nội bộ giữa các cơ quan nhà nước Thành phố, sử dụng hoàn toàn chữ ký số chuyên dùng Chính phủ...
Từ năm 2018, các Sở, ban, ngành, 30 UBND quận, huyện thị xã và 100% xã, phường, thị trấn đã sử dụng Hệ thống Một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính/dịch vụ công trực tuyến trên toàn địa bàn Thành phố, thay vì sử dụng các phần mềm nhỏ lẻ.
Từ giai đoạn 2021-2023, Sở TT&TT tiếp tục duy trì và triển khai mở rộng hạ tầng mạng diện rộng WAN của Thành phố đến 579/579 xã, phường, thị trấn, kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ. Hiện đơn vị đang triển khai xây dựng đề án “Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội.
Đồng thời, Sở TT&TT cũng chú trọng xây dựng, phát triển các ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố đã được triển khai tới các cơ quan nhà nước 3 cấp của Thành phố. Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử...
Kiến nghị bổ sung chỉ tiêu biên chế cán bộ làm công nghệ thông tin
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng Sở TT&TT cũng nêu lên một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như khối lượng công việc về chuyển đổi số lớn, nhưng nguồn nhân lực công nghệ thông tin của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã còn thiếu, khối xã chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin ảnh hưởng lớn tới tiến độ, chất lượng công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ.
Để việc triển khai cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số được hiệu quả, Sở TT&TT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan ban hành hướng dẫn về vị trí việc làm và biên chế công chức chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, đặc biệt là tại cấp xã; Kiến nghị với Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố - xem xét, bổ sung chỉ tiêu biên chế cán bộ làm công nghệ thông tin tại cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin cấp Thành phố và UBND cấp xã.
Đồng thời, tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ công chức, viên chức làm công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước thuộc Thành phố khi Chính phủ áp dụng chế độ lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương. Tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác cải cách hành chính tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố.
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát đã cùng làm rõ về giải pháp để tăng chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân; về đánh giá chung trên toàn Thành phố về mức độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong vận hành mô hình chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đặc biệt ở cấp xã. Đồng thời làm rõ thực trạng hạ tầng công nghệ hiện nay có thể đáp ứng tiêu chí xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số không...
Kết luận buổi làm việc, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên đánh giá cao những kết quả của Sở TT&TT trong thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Sở TT&TT đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Trung ương và Thành phố; tập trung hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, thực hiện công nghệ số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành...
Trưởng Đoàn giám sát đề nghị, Sở TT&TT rà soát lại toàn bộ các thể chế liên quan đến công tác chuyển đổi số, tổng hợp, tham mưu cho Thành phố để triển khai tốt hơn về công tác này. Đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đầu việc, đảm bảo tiến độ. Với những kiến nghị của đơn vị, Đoàn sẽ tổng hợp để đưa vào báo cáo chung và xem xét, đưa ra những giải pháp phù hợp.