Tại hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng trình bày tóm tắt dự thảo “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội”. Theo đó, sẽ có sự đổi mới đồng bộ trong các phương án đổi mới chính quyền đô thị, và lộ trình thực hiện Đề án sẽ được xây dựng sau khi có Nghị quyết của Quốc hội.
Sau đó, đã có 11 ý kiến đại diện cho lãnh đạo 5 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ và các phường trực thuộc, cơ bản đều nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của Đề án. Đặc biệt trong tốc độ phát triển của xã hội hiện nay, khi chính quyền đô thị (CQĐT), công nghệ thông tin, cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển, thì việc xây dựng mô hình CQĐT là hết sức cần thiết; đồng thời cũng cần quán triệt tinh thần của Hội nghị T.Ư 7 là xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu quả, không hình thức, tránh chồng chéo - đây cũng là mong muốn của mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân.Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết: Đề án chính thức vẫn đang trong quá trình được xây dựng, qua các cuộc hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến từ các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Thành ủy mong muốn tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp của cơ sở để tiếp tục hoàn thiện Đề án. Trong quá trình soạn thảo, Tổ soạn thảo đã dành nhiều thời gian đánh giá những ưu điểm, kết quả đạt được của tổ chức bộ máy thời gian qua. “Rõ ràng chúng ta không phủ nhận các kết quả đã có, cơ bản tổ chức bộ máy là tốt, tuy nhiên, hiện nay khi TP sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thực hiện tinh giản theo hướng hiệu quả, hiệu lực thì bên cạnh những ưu điểm, cần xem lại những bất cập, vấn đề còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả, trên tinh thần tổng quan rất thực tế thì mới rút ra được những vấn đề cần điều chỉnh”, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy nhấn mạnh.
Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) Lê Thành Vinh góp ý vào dự thảo Đề án. |