Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt nhận định: Đây là kỳ họp thường kỳ đặc biệt quan trọng, không chỉ bàn và quyết định các công việc có tính thường xuyên, còn thực hiện nhiệm vụ là cụ thể hóa một số quy định trong Luật Thủ đô và lần đầu tiên triển khai lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt do HĐND TP bầu hoặc phê chuẩn.
Tiếp tục giám sát sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm
Việc lấy phiếu tín nhiệm là một nội dung được cử tri rất quan tâm. Vậy tại kỳ họp, hoạt động này sẽ tiến hành như thế nào và quan điểm của cá nhân ông trước vấn đề này?
- Tại kỳ họp này, sẽ có 18 chức danh do HĐND TP bầu và phê chuẩn thuộc diện được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Trong đó, có các vị thành viên UBND TP, Chủ tịch HĐND TP, Phó Chủ tịch HĐND TP, Trưởng các Ban HĐND TP. Hiện 18 chức danh đều đã có báo cáo tự kiểm điểm gửi các ĐB HĐND TP để nghiên cứu, đánh giá. Theo quan điểm của cá nhân tôi, các báo cáo này đều cơ bản đáp ứng được nội dung yêu cầu, đánh giá đầy đủ các mặt công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp sẽ tiến hành đúng như quy định tại Nghị quyết 35 của Quốc hội, và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước khi bỏ phiếu, HĐND TP sẽ thảo luận tổ về nội dung này. Nghị quyết về kết quả lấy phiếu sẽ được công khai để cử tri và nhân dân biết. Tôi tin rằng, với lượng thông tin rõ ràng, mạch lạc về hoạt động của từng chức danh, với trách nhiệm của mình và sự gửi gắm từ cử tri, các vị ĐB HĐND TP sẽ có đánh giá công tâm, khách quan. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp mỗi chức danh tự đánh giá lại mình một cách nghiêm túc. Tôi nhớ có câu nói rất hay là "hãy nhìn mình bằng con mắt của mọi người, hãy nghe mình bằng cái tai của mọi người mới có thể hiểu đúng về mình". Tập thể đánh giá về cơ bản thường là chính xác. Ngoài ra, tổ chức và cử tri sẽ tiếp tục giám sát, theo dõi sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Thưa ông, trong cuộc họp BCH Đảng bộ TP vừa qua, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị có lưu ý đến 5 vấn đề trọng tâm TP cần tập trung thực hiện đến cuối năm 2013. Vậy, với vai trò của HĐND TP, trong thời gian tới, hoạt động giám sát có chú trọng đến những nội dung này?
- 5 vấn đề đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh như: Hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư và chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách; quy hoạch và quản lý xây dựng và phát triển theo quy hoạch; phát triển văn hóa xã hội; công tác cải cách hành chính…, đều đã được Thường trực và các Ban HĐND TP quan tâm trong chương trình giám sát ngay từ đầu năm. Tới đây, trong chương trình giám sát 6 tháng cuối năm, HĐND TP sẽ tiếp tục quan tâm giám sát sâu hơn các nội dung này. Tôi cũng tin rằng tại các phiên họp thảo luận về kinh tế - xã hội và phiên chất vấn tại kỳ họp này, 5 nội dung trên cũng sẽ được quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp phát triển sản xuất, vì đây là vấn đề cơ bản nhất, có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực.
Từ nay đến cuối năm, TP sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.Ảnh: Hải Linh
Cụ thể hóa Luật Thủ đô là trách nhiệm lớn
Cụ thể hóa một số nội dung liên quan đến thực hiện Luật Thủ đô đang được người dân rất quan tâm. Vậy thưa ông, việc chuẩn bị đã được thực hiện đến đâu?
- Trong kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét, thông qua 11 Nghị quyết trong chương trình triển khai thi hành Luật Thủ đô. Hầu hết các nghị quyết đều liên quan đến đời sống dân sinh như: Chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hoá, vui chơi giải trí; Cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao; Cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài; Chính sách ưu đãi đối với tổ chức cá nhân đầu tư phát triển khoa học công nghệ trọng điểm; Biện pháp đảm bảo thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; Chính sách cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, quy định tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội; Ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị; Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực văn hoá, đất đai, xây dựng; Quy định diện tích bình quân nhà ở….
Để xây dựng các báo cáo, tờ trình này, UBND TP đã có kế hoạch chuẩn bị và triển khai từ rất sớm. Trong suốt quá trình chuẩn bị, nhất là từ khi thống nhất nội dung kỳ họp, Thường trực và các Ban HĐND TP đã phối hợp rất chặt chẽ với UBND và các sở, ngành trong quá trình chuẩn bị nội dung. Đặc biệt là có sự phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ có hiệu quả của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành T.Ư. Công tác thẩm tra của các Ban HĐND cũng được thực hiện một cách thận trọng và đúng quy định pháp luật. Cả 11 nội dung đều là những vấn đề lớn và khó nên trong quá trình chuẩn bị cũng có những ý kiến trái chiều, những điểm chưa thống nhất ngay từ đầu, nhưng qua thảo luận kỹ và nhiều lần bổ sung, chỉnh sửa, đến nay, tất cả các nội dung đều đã cơ bản được hoàn thiện và nhận được sự đồng thuận cao của các cơ quan để trình ra HĐND TP thảo luận và quyết định.
Như ông nói, các nội dung được giao trách nhiệm cho HĐND TP cụ thể hóa đều quan trọng. Vậy bản thân ông có thấy áp lực?
- Đúng là các nội dung được thể hiện trong 11 Nghị quyết đều quan trọng, liên quan đến đời sống dân sinh và được sự quan tâm của dư luận. Hơn nữa, đây cũng là trọng trách mà nhân dân cả nước và Quốc hội tin và trao cho chính quyền TP Hà Nội. Vậy phải làm thế nào cho tốt. Như tôi đã nói, kỳ họp này công việc chuẩn bị là áp lực lớn với cả Thường trực, các Ban HĐND, UBND TP bởi trong một thời gian ngắn, khối lượng công việc nhiều và quan trọng. Nhưng tôi tin tưởng là với quyết tâm cao, sự chuẩn bị chu đáo, sự vào cuộc và tinh thần trách nhiệm của các ĐB, chắc chắn sẽ thành công.
Những Nghị quyết được thông qua lần này đều gắn chặt với đời sống người dân, vậy Thường trực HĐND TP đã có kế hoạch gì trong việc giám sát việc triển khai trong thực tế, thưa ông?
- Ngoài các Nghị quyết liên quan đến Luật Thủ đô, các vấn đề khác như điều chỉnh phí, viện phí… đều đã có sự xem xét từ nhiều phía để đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Với trách nhiệm của mình, ngoài thực hiện chương trình giám sát theo Nghị quyết đã được thông qua từ kỳ họp trước, HĐND cũng bám sát vào biến động của thực tiễn trong năm để tiến hành các đợt giám sát những vấn đề nổi bật. Đặc biệt, sau khi tập trung triển khai Luật Thủ đô, HĐND TP sẽ có kế hoạch giám sát việc thực hiện Luật trên toàn địa bàn. Thông qua giám sát để biết Nghị quyết của HĐND TP có phù hợp với thực tiễn không, có phát huy hiệu quả không, cần phải điều chỉnh hay bổ sung thêm những nội dung gì. Xây dựng các cơ chế chính sách là quá trình thường xuyên, liên tục, theo yêu cầu của thực tiễn chứ quyết không thể làm một lần là xong. Tư tưởng chỉ đạo của Thường trực là bám sát yêu cầu nhiệm vụ nhưng cũng luôn sát thực tiễn, nghe hơi thở của cuộc sống.
Xin cảm ơn ông!