Đó là những thông điệp quan trọng được Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật (ngày 24/11). Đây cũng là vấn đề được dư luận rất quan tâm và kỳ vọng có những chuyển biến tích cực.
“Thể chế đi trước, mở đường cho các đột phá về kinh tế - xã hội, hạ tầng xã hội, phát triển con người và đổi mới, sáng tạo”, đó là quan điểm được nhiều người đồng tình khi nói về công tác xây dựng pháp luật. Nhiều chuyên đề, giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng luật, quy định pháp luật đã được thực thi. Nhìn vào thực tế phải nói rằng, chất lượng các văn bản pháp luật đã được nâng cao hơn rất nhiều. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn những quy định pháp luật “vòng đời” tồn tại rất ngắn, mới ban hành 1 - 2 năm đã phải xem xét sửa đổi, bổ sung, hoặc lặng lẽ “bỏ xó” như chưa bao giờ ra đời. Có những quy định, ngay từ khi mới ban hành đã thấy những điểm vướng, “lỗi nhịp” với cuộc sống, thậm chí gây khó khăn, bất cập cho chính các cơ quan thực thi pháp luật. Hoặc cá biệt, có nhiều những quy định “lạ”, vừa ra đời đã phải thu hồi, bãi bỏ, gây khó nắm bắt cho người dân và tính nghiêm minh của pháp luật. Đặc biệt, một số quy định còn mâu thuẫn chồng chéo, đơn cử như 25 quy định đầu tư kinh doanh còn rào cản đã được chỉ ra...Nhiều nguyên nhân đã được lý giải cho thực trạng này, trong đó có việc chưa đánh giá rõ được tác động; việc lấy ý kiến trong nhiều trường hợp chưa thực chất... Nhưng quan trọng hơn, vẫn còn tình trạng ban hành quy định mang tính chủ quan, xa thực tiễn. Rồi có thể do cài cắm yếu tố xin - cho. Như các ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra, trong một vài trường hợp, các bộ, ngành vẫn còn muốn giữ lại những quyền nhất định trong việc cấp phép, thủ tục hành chính liên quan tới quản lý chuyên ngành của mình... Thực tế thời gian qua cho thấy, đã có không ít văn bản cả ở thể loại quy định, hướng dẫn, thông tư cho đến cao hơn như nghị định, chỉ thị… “trên trời”, không phù hợp với thực tế, gây cản trở quá trình phát triển được nhìn nhận sớm, bãi bỏ, gỡ vướng kịp thời theo yêu cầu vận động của cuộc sống. Nhưng điều quan trọng hơn được nói tới là nhận thức và trách nhiệm khi xây dựng văn bản pháp luật. Bởi như các ý kiến chỉ ra, việc làm quy định luật không phải mang tính "hình thức", nên phải khắc phục bất cập trong phối hợp và đề cao trách nhiệm các cơ quan trong việc đề xuất, lấy ý kiến. Cần bảo đảm chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.Việc xây dựng pháp luật phải khắc phục được tồn tại “quyền anh quyền tôi”, “chống tham nhũng trong xây dựng chính sách, thi hành pháp luật, giữ được sự liêm chính”. Những yêu cầu này một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh và cho rằng “đây là điều rất quan trọng cần tránh và khắc phục được những tồn tại, hạn chế”. Vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan gác cửa trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của ngành tư pháp cũng được nhắc đến. Với sự nhìn nhận thẳng thắn về những mặt được và cả hạn chế, hy vọng việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xây dựng và thi hành pháp luật sẽ có thêm bước tiến mới. Để quy định pháp luật không chỉ theo sát mà thực sự đón đầu thực tiễn.