Xây dựng chung cư E4 Vũ Phạm Hàm gây nứt nhà dân?

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người dân vô cùng hoang mang bởi các vết nứt chằng chịt hay nghiêm trọng hơn khi căn nhà của họ nghiêng hẳn sang một bên với nguyên nhân được cho là từ khu chung cư đang xây dựng ngay gần kề?

Theo đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, trú tại số nhà H26, tổ 38 tập thể Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), gửi tới báo Kinh tế & Đô thị, dự án chung cư E4 Vũ phạm Hàm trong quá trình xây dựng đã và đang ảnh hưởng lớn tới sự an toàn của gia đình bà cùng hàng xóm xung quanh. Được biết, đây là dự án có chủ đầu tư là Công ty Cổ Phần đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội ( HCCI).

Bà Thúy cho biết, gia đình mình đã chuyển về sống ở căn nhà hiện tại từ năm 2006, trong quá trình sử dụng mọi thứ đều tốt, toàn bộ kết cấu trần, tường không hề có bất kỳ vết rạn nứt nào. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi "chóng mặt" kể từ giai đoạn giữa năm 2015 khi chung cư E4 nằm ngay sát đó (cách chưa đến 15m) thi công phần cọc nhồi và phần ngầm. Công trình này 3 tòa nhà: 1 tòa 25 tầng và 2 tòa 19 tầng cùng phần ngầm của mỗi tòa lên đến 3 tầng.

 
Bà Thúy chỉ cho phóng viên các vết nứt chằng chịt trong khắp căn nhà của mình (ảnh: Hà Thanh)

Bà Thúy chỉ cho phóng viên các vết nứt chằng chịt trong khắp căn nhà của mình (ảnh: Tùng Lâm)

Kể từ thời điểm trên, nhà của bà Thúy bắt đầu có hiện tượng rạn, nứt. Tất cả các tầng của căn nhà này đều có có nhiều vết rạn, nứt từ hàng lang cho đến trần mỗi phòng, phần tường cũng bị nứt xé niều chỗ. Đáng chú ý, khi quan sát chính diện bằng mắt thường khá dễ dàng nhận ra ngôi nhà ngày đang trong tình trạng nghiêng hẳn về phía bên phải, hướng của chung cư E4 đang được thi công ngay sát đó.

Ngay khi xảy ra hiện tượng rạn, nứt, bà Thúy đã nhiều lần tìm đến Chủ đầu tư cũng như ban quản lý dự án chung cư E4 nhưng đều bị từ chối gặp với đủ các lý do khác nhau. Phải tới sau khi bà Thúy "cầu cứu" lên UBND quận Cầu Giấy, phía chủ đầu tư mới bắt đầu có những động thái hợp tác đầu tiên.

 
Tình trạng rạn nứt khá nghiêm trọng (ảnh: Hà Thanh)
Tình trạng rạn nứt khá nghiêm trọng (ảnh: Tùng Lâm)

Mặc dù vậy, sau nhiều buổi làm việc giữa gia đình bà Thúy, Chủ đầu tư cũng như đại diện UBND phường Yên Hòa, các bên vẫn không thể đưa ra hướng giải quyết. "Chủ đầu tư cương quyết phủi trách nhiệm và cho rằng công trình thi công đúng quy định, đồng thời không có phương án giải quyết hậu quả do quá trình xây dựng chung cư E4 gây ra đối với căn nhà của tôi", bà Thúy bức xúc.

Một điều sơ đẳng nhất khi thi công công trình lớn tới 3 tòa nhà cùng 3 tầng hầm mà không khảo sát các công trình liền kề thì có hay không Chủ đầu tư còn bỏ qua nhiều công đoạn quan trọng khác? Để đến lúc có chuyện xảy ra, họ sẽ chối bỏ trách nhiệm một cách trắng trợn như đã làm với ngôi nhà của tôi? bà Thúy liên tục đặt ra các câu hỏi.

 
Theo quan sát bằng mắt thường, căn nhà H26 (tay trái) nghiêng hẳn về một bên (ảnh: Tùng Lâm)

Theo quan sát bằng mắt thường, căn nhà H26 (ở giữa) nghiêng hẳn về một bên (ảnh: Tùng Lâm)

Bà Thúy cũng tiết lộ thêm một chi tiết, trong quãng thời gian liên tục đưa đơn thư khiến nại đến các đơn vị có liên quan, người của bên Chủ đầu tư từng "gợi ý" bà nhận một khoản tiền là 15 triệu đồng nhằm trả cho "công sức đi lại". Tuy nhiên bà Thúy đã cương quyết từ chối số tiền này.

Quá chán nản với cách đối xử của Chủ đầu tư, bà Thúy than thở, hiện gia đình tôi đang sống trong hoang mang, sợ hãi, không biết ngôi nhà có thể nghiêng, đổ sập bất cứ lúc nào. Chúng tôi đã cầu cứu , gõ cửa nhiều nơi và nhiều lần nhưng tới nay vẫn chưa có phương án giải quyết những sự cố đã xảy ra cho căn hộ mà vợ chồng chúng tôi chắt chiu tiền lương cả đời mới mua được.

Không chỉ ảnh hưởng riêng tới gia đình bà Thúy, quá trình xây dựng chung cư E4 cũng đã nhiều lần xảy ra sự cố mất án toàn. Có thể kể đến như chập, cháy nổ ổ điện gần sát nhà dân do đường điện cao áp phục vụ công trường đấu nối cẩu thả, phương tiện trong quá trình thi công gây đổ sập cả bức tường cao 2m dài 50m ngay sát lối đi của người dân.

Trả lời báo Kinh tế & Đô thị về trường hợp căn nhà của bà Thúy, ông Đinh Công Đức, Phó Giám đốc HCCI khẳng định bên thi công không làm sai gì cả cũng như không phải là bên chịu trách nhiệm cho sự cố rạn, nứt của ngôi nhà H26. "Có thể các vết rạn, nứt đó là do căn nhà của bà Thúy có tuổi đời cao, hơn 10 năm nên mới như vậy", ông Đức đưa ra phỏng đoán.

Về vấn đề trước khi xây dựng, đặc biệt là phần hầm ngầm, Chủ đầu tư có thực hiện đánh giá tác động tới các công trình lân cận không? Ông Đức cho rằng, bản thân các tòa nhà đang xây đã cách nhà dân một con đường có chiều dài khoảng 15m, chính vì vậy việc thực hiện đánh giá này là không cần thiết.

Nói về số tiền 15 triệu đồng được phía Chủ đầu tư "gợi ý" đưa cho bà Thúy, ông Đức cho rằng, công trình xây dựng nào cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng tới người dân, sau đó người dân lại mang đơn thư kiện cáo lên cấp phường cấp quận, vì vậy số tiền này có mục đích "làm hài hòa" bức xúc của người dân cũng như "không để phiền" tới cơ quan chức năng.

Ông Hoàng Trung Kiên - Chủ tịch UBND phường Yên Hoà cho biết đã nhiều lần mời 2 bên lên hòa giải nhưng chưa đạt được kết quả. Gần đây nhất, buổi hòa giải vào hôm 9/6 cũng có sự góp mặt của Thanh tra xây dựng Quận Cầu Giấy.

Khi được hỏi về việc Chủ đầu tư có tiến hành đánh giá tác động đến nền địa chất và các khối kiến trúc xung quanh công trình trong quá trình xây dựng, đồng thời có biện pháp đảm bảo an toàn kỹ thuật hay không? Ông Kiên cho biết, trong hồ sơ thiết kế được Chủ đầu tư gửi lên Phường chỉ có đánh giá tác động về mặt môi trường mà không cung cấp những thông tin trên.

Phường sẵn sàng phối hợp với các bên đề mời một đơn vị độc lập và xác định nguyên nhân gây ra tình trạng rạn, nứt nhà của bà Thúy cũng như nghiêm khắc xử lý theo quy định nếu Chủ đầu tư là bên có lỗi, ông Kiên khẳng định.

Quy định xử phạt đối với hành vi tổ chức xây dựng gây sụt lún nhà ở bên cạnh:

Nghị định số 180/2007/NĐ-CP: Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại. Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại.

Thông tư số 02/2014/TT-BXD: Bên vi phạm và bên bị thiệt hại có thể thỏa thuận mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường. Nếu không thỏa thuận được, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ quyết định mời một tổ chức để giám định, chi phí do bên vi phạm chi trả.

Trường hợp công trình xây dựng có nguy cơ sụp đổ hoặc gây sụp đổ công trình lân cận thì Chủ đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ tiền di chuyển và thuê chỗ ở tạm thời cho bên bị thiệt hại trong thời gian giải quyết.