Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng cơ chế, chính sách phải vì lợi ích người dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  “Phải đặt mình vào vị trí người dân bị thu hồi đất để đề ra những cơ chế,...

Kinhtedothi -  “Phải đặt mình vào vị trí người dân bị thu hồi đất để đề ra những cơ chế, chính sách hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích  cho các hộ dân mất đất phục vụ cho dự án”. Đó là yêu cầu của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 07 của Thành ủy Nguyễn Công Soái tại buổi đi kiểm tra thực tế và làm việc với các đơn vị liên quan về tiến độ dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (dự án II) vào sáng 19/6.

Cả cây cầu chờ … 1 hộ dân

Tại buổi làm việc, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội và các quận, huyện như Hoàng Mai, Thanh Trì, Đống Đa đều cho rằng công tác GPMB của dự án trong thời gian gần đây đã được triển khai quyết liệt hơn, tạo sự chuyển biến lớn, nhưng so với yêu cầu đặt ra vẫn chưa tốt. Đến nay, các quận, huyện đã GPMB trên 38/48ha diện tích phải thu hồi, tuy nhiên mặt bằng bàn giao hoặc chuẩn bị bàn giao theo kiểu “xôi đỗ” nên việc triển khai thi công và quản lý chống tái lấn chiếm gặp nhiều khó khăn. Một số hạng mục dù khối lượng GPMB còn rất ít, nhưng vẫn không thể triển khai do vướng mặt bằng. Đơn cử như trường hợp một hộ còn lại không nhận tiền, không bàn giao mặt bằng của cầu Huỳnh Cung (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì), khiến cho việc thi công đình trệ, kéo dài, gây khó khăn cho đời sống dân sinh và bức xúc trong dư luận. Hay tại quận Hoàng Mai, có một hộ dân sống trong lô cốt nằm trong diện giải tỏa, nhưng suốt từ năm 2011 đến nay vẫn chưa thể lên phương án giải quyết cụ thể.
Xây dựng cơ chế, chính sách phải vì lợi ích người dân - Ảnh 1
Lý giải cho sự chậm trễ trên, lãnh đạo quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì đều cho rằng một số cơ chế, chính sách trong GPMB chưa sát thực tế, nên gây khó khăn rất nhiều cho công tác thực thi. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Phạm Hùng Tiến cho biết, có những hộ trên địa bàn bị thu hồi trên dưới trăm mét vuông, chỉ còn lại khoảng gần 30m2 nhưng không được tái định cư, nên dẫn đến bức xúc đối với người dân.

Cơ chế là vậy, sự phối hợp giữa các đơn vị và thủ tục hành chính rườm rà cũng là rào cản lớn khiến tiến độ dự án bị kéo chậm lại. Tại buổi làm việc, đại diện UBND quận Đống Đa cho biết đã có văn bản gửi lên Sở Xây dựng về các phương án nhà tái định cư từ cuối tháng 5/2014, trong khi lãnh đạo Sở Xây dựng lại nói chưa được cấp dưới trình lên. Chỉ những “động tác” nhỏ như vậy thôi cũng lý giải phần nào sự chậm trễ chung của cả dự án.

Qúy III/2014 phải hoàn thành GPMB

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành trong thời gian qua, nhưng Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho rằng kết quả vẫn chưa tương xứng. Nguyên nhân chính là còn những chính sách “trên trời”, không phù hợp với thực tế, thậm chí thêm vướng mắc cho cơ sở.

Đồng chí nhấn mạnh: Cơ chế do chúng ta đề xuất, nếu vướng thì phải điều chỉnh lại cho hợp lý. Phải đặt mình vào vị trí người bị thu hồi, trên quan điểm người dân đã chịu nhiều thiệt thòi khi nằm trong diện GPMB để xây dựng chính sách. Có những nhà dân nằm ở giữa phố, nhưng chỉ cần quy hoạch “vạch” một cái là đi hết, liệu có sự thông cảm nào từ cơ quan chuyên môn đến trường hợp như thế không? Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá thủ tục hành chính dù đã được cải cách nhưng vẫn còn nhiều rườm rà, bất cập; sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa chặt chẽ; cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt.

Nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái yêu cầu các quận, huyện trong quý III/2014 phải hoàn thành bàn giao mặt bằng cho dự án; các sở, ngành cùng tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác GPMB với quan điểm tránh thiệt thòi, vì lợi ích của người dân.