Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng cơ chế phù hợp để gỡ khó cho doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, bình ổn thị trường trên địa bàn…"- đó là những mục tiêu mà ngành Công Thương Thủ đô đặt ra cho năm 2013.

Doanh nghiệp và thị trường: Đối tượng hỗ trợ quan trọng nhất

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013 Sở Công Thương Hà Nội ngày 16/1, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết: Trong bối cảnh kinh tế năm 2012 rất nhiều thách thức, DN và thị trường luôn là hai đối tượng quan trọng nhất khi Sở xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Sở đã chủ trì tổ chức 15 cuộc đối thoại với khoảng 1.000 lượt DN trên địa bàn. Hàng loạt vướng mắc, kiến nghị của DN trong lĩnh vực thuế, hải quan… đã được tổng hợp, đề xuất với lãnh đạo TP, bộ, ngành để tháo gỡ. Năm 2012 cũng là năm Sở thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa cho DN, mở rộng không chỉ hệ thống cố định mà còn tăng cường những chuyến lưu động đưa hàng bình ổn giá về các huyện, khu công nghiệp (CN) để phục vụ nhu cầu của người dân nông thôn và kích cầu tiêu dùng. Kết quả, các DN đã triển khai được 450 chuyến bán hàng, trong đó 397 chuyến lưu động, qua đó nhiều DN còn xác định được địa điểm, xây dựng thời gian tổ chức bán hàng thường xuyên…

Năm 2013, ngành Công Thương Hà Nội phấn đấu đạt giá trị tăng thêm 7,5 - 7,8%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa dịch vụ tăng 20%; kim ngạch XK tăng 10% so với năm ngoái; Sở sẽ tập trung triển khai thành lập và mở rộng các khu, cụm CN trên địa bàn TP ngay khi Quy hoạch phát triển các khu, cụm CN Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được phê duyệt; Kêu gọi thu hút đầu tư các ngành theo quy hoạch lấp đầy các khu CN Phú Nghĩa, Đông Anh, 6 cụm CN đang hoạt động ổn định…

Xây dựng cơ chế phù hợp để gỡ khó cho doanh nghiệp - Ảnh 1

Lắp ráp thành phẩm tại Công ty Điện cơ Thống Nhất. Ảnh: Linh Anh

Để phát triển thị trường hàng hóa, Sở tăng đầu tư hạ tầng thương mại gồm: 1 trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, 1 trung tâm bán buôn cấp vùng, 19 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các huyện và thị xã, 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm cấp vùng và 1 chợ đầu mối chuyên doanh… Bên cạnh đó, Sở cũng tập trung phát triển các loại hình dịch vụ trình độ cao và nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa thị trường XK, kiềm chế NK hàng tiêu dùng không thiết yếu…

Tháo gỡ từng khó khăn cụ thể

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, năm 2012, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng cả nước vẫn nỗ lực về đích có tăng trưởng, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành Công Thương Thủ đô. Trước mắt còn nhiều thách thức, Sở cần tập trung tháo gỡ cho những khó khăn cụ thể của DN như vốn, thị trường… Với 58 sản phẩm CN chủ lực đã được lựa chọn để có chương trình hỗ trợ riêng, tới đây, Sở nên có giải pháp phát triển thương hiệu mạnh hơn nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Thực tế thị trường Hà Nội rất phức tạp, nên công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cần được lực lượng chức năng tích cực vào cuộc hơn nữa. Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cán bộ quản lý thị trường tuyệt đối không chủ quan, tăng cường kiểm soát kịp thời thị trường tránh tạo ra sốt giá ảo, gây bất lợi cho người dân. "Sở Công Thương Hà Nội cần thực hiện nhiều chương trình với các hình thức phong phú để kích cầu" - bà Thoa nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu giao ngành Công Thương năm 2013 cùng TP tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển CN theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và thân thiện môi trường; di chuyển cơ sở sản xuất CN gây ô nhiễm cao khỏi nội đô; đẩy mạnh chức năng các khu công nghệ cao bằng cách huy động vốn không chỉ trong nước; tạo đà phát triển mạnh trong thương mại dịch vụ, nhất là dịch vụ chất lượng cao, nhằm tạo bộ mặt Thủ đô văn minh thương mại, bảo vệ người tiêu dùng; đảm bảo chất lượng hệ thống điện; tăng cường quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phong trào thi đua.