Quá trình thay đổi mang tính lịch sử này sẽ lấy con người làm trung tâm, động lực cũng như nguồn lực phát triển, từ đó hình thành các công dân số nhằm tiến tới một xã hội số toàn diện.
Tại cẩm nang “Chuyển đổi số” do Bộ TT&TT xây dựng, công dân số được định nghĩa là người dân được trang bị năng lực số để sống giữa môi trường được số hóa toàn diện. 9 yếu tố cấu thành công dân số gồm: khả năng truy cập nguồn thông tin số; khả năng giao tiếp trong môi trường số; kỹ năng số cơ bản; mua bán hàng trên mạng; chuẩn mực đạo đức trong môi trường số; bảo vệ thể chất, tâm lý trước ảnh hưởng từ môi trường số; quyền, trách nhiệm trong môi trường số; định danh, xác thực, dữ liệu cá nhân; quyền riêng tư trong môi trường số.
Có thể nói, trong vài năm trở lại đây, với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, Việt Nam đã đặt được nền móng ban đầu nhưng vô cùng quan trọng nhằm hình thành nên một xã hội số. Đó là hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Đây là tiền đề nhằm đổi mới về căn bản công tác quản lý Nhà nước, cải cách hành chính theo hướng hiện đại, phục vụ tối đa lợi ích cho công dân số.
Việc đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào khai thác trong khoảng 3 năm vừa qua đã mang lại nhiều chuyển biến lớn trong việc phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số. Có thể kể đến như việc đồng bộ dữ liệu từ T.Ư đến địa phương giúp cho việc quản lý cư trú hoàn toàn trên hệ thống điện tử, giúp cắt giảm các loại giấy tờ về quản lý cư trú, giảm các bước trong thủ tục đăng ký cư trú của công dân. Không chỉ vậy, công dân có thể đăng ký làm thẻ căn cước công dân tại nơi đăng ký tạm trú mà không cần về nơi đăng ký thường trú để thực hiện.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang được các bộ, ngành, địa phương dùng chung nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và DN. Đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Đẩy mạnh sử dụng nền tảng định danh điện tử (VneID), như đã tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế; làm thủ tục hàng không cho chuyến bay nội địa… Đây đều là những tiền đề để thực hiện phát triển công dân số.
Đáng chú ý, việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, điển hình như làm sạch thông tin tín dụng, xác thực thông tin thuê bao đã giúp các nhà mạng tiết kiệm 143 tỷ đồng. Xác thực, bảo đảm chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả với 141,7 tỷ đồng dưới hình thức không dùng tiền mặt.
Với ứng dụng VNeID, người dân có thể tự tạo lập dữ liệu và đẩy về các bộ chuyên ngành xác thực, không cần đầu tư nhiều cho các bộ trong số hóa. Không chỉ vậy, với tài khoản VNeID mức độ 2, hành khách có thể thực hiện các chuyến bay nội địa chỉ với chiếc smartphone của mình. Xác thực sinh trắc học trên thẻ căng cước công dân tại các cơ sở khám chữa bệnh, giảm quy trình 4 bước xuống còn 2 bước, thời gian trung bình xác thực là 6 - 13 giây, giúp người dân tiết kiệm thời gian làm thủ tục.