Xây dựng cụm công nghiệp tại Thường Tín: Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững

Nguyễn Trường thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, huyện Thường Tín luôn quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp (CCN). Nhờ đó đến nay, toàn huyện đã có 11 CCN hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Cùng với đó, huyện đang tiếp tục xây dựng 3 CCN mới. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh (ảnh) xung quanh chiến lược phát triển CCN của địa phương.

Xin ông cho biết tình hình xây dựng, phát triển CCN trên địa bàn huyện cho đến nay?

Xây dựng cụm công nghiệp tại Thường Tín: Thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 1

- Xác định việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp về phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, đầu tư xây dựng CCN là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nên những năm qua, Huyện ủy Thường Tín đã thống nhất đưa vào Nghị quyết triển khai thực hiện chiến lược đề ra. Huyện Thường Tín có 126 làng có nghề, trong đó 48 làng được TP Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Đây chính là yếu tố, điều kiện quan trọng giúp Thường Tín có lợi thế phát triển sản xuất công nghiệp.

Ngay từ những năm 2000, huyện đã tập trung xây dựng các CCN, CCN làng nghề đầu tiên làm nền móng. Nhờ vậy đến nay, trên toàn địa bàn đã có 11 CCN, CCN làng nghề hoạt động ổn định với diện tích hơn 195ha, bao gồm các CCN: Liên Phương (18,8ha), Hà Bình Phương 1 (41,6ha), Duyên Thái (18,4ha), Quất Động (23,6ha), Quất Động mở rộng (43ha), Sơn mài Duyên Thái (12,6ha)… Chính vì vậy, Thường Tín được xác định là một trong những huyện có nhiều làng nghề truyền thống, nhiều CCN, CCN làng nghề đứng ở tốp đầu so với các địa phương khác trên địa bàn TP.

Hiện nay, 11 CCN, CCN làng nghề đều đã đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Bên cạnh đó, các CCN trên địa bàn đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật cơ bản hoàn chỉnh với những hạng mục hạ tầng, như: Hệ thống đấu nối trong, ngoài hàng rào; hệ thống đường gom, đường nội bộ CCN; hệ thống điện, nước, cây xanh và các hạ tầng khác. Trong số này, có 9/11 CCN đã và đang hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhằm bảo vệ môi trường.

Hiệu quả hoạt động của các CCN hiện nay ra sao, thưa ông?

- Các CCN, CCN làng nghề trên địa bàn đã thu hút được gần 1.000 cơ sở sản xuất là DN, công ty, hộ sản xuất kinh doanh vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài huyện. Trong đó, riêng các CCN làng nghề đã thu hút trên 500 cơ sở sản xuất kinh doanh là các DN, hộ sản xuất, kinh doanh vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 9.000 lao động, tăng thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/người/năm.

Trong đó, chỉ tính riêng các CCN làng nghề đã góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt bằng cho hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng nghề vốn dĩ đã chật chội; di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Bên cạnh đó, đây cũng là nơi thu hút lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Ngoài ra, tại các xã phù hợp phát triển du lịch, dịch vụ, các CCN làng nghề có quỹ đất dành để bố trí, sắp xếp khu quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề và các dịch vụ khác để phục vụ khách tham quan, du lịch, thúc đẩy giao lưu, phát triển sản xuất. Từ đó, góp phần khai thác tiềm năng về du lịch làng nghề của mỗi địa phương, thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững, ổn định.

Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tiền Phong giai đoạn 2. Ảnh: Nguyễn Trường
Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tiền Phong giai đoạn 2. Ảnh: Nguyễn Trường

Các vấn đề dân sinh, xã hội trong các khu, CCN được huyện giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Cùng với đẩy mạnh sản xuất, trong những năm qua, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương án phòng cháy, chữa cháy cũng được DN, hộ sản xuất trong CCN quan tâm, tổ chức diễn tập thường xuyên giúp đẩy lùi số vụ cháy nổ và giảm thiệt hại do cháy nổ gây ra. Tại các CCN, đã có nhiều DN thực hiện tốt Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội.

Bên cạnh đó, nhiều CCN còn bố trí quỹ đất để có không gian sinh hoạt văn hóa, trồng cây xanh, tạo sân chơi, lắp đặt trang thiết bị để người lao động tranh thủ giờ nghỉ giải lao luyện tập thể dục thể thao đảm bảo sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất.

Để giúp DN và người lao động có nơi sản xuất, huyện Thường Tín có chiến lược gì phát triển các CCN trong thời gian tới?

- Thực hiện Chương trình số 08-Ctr/HU, Thường Tín đang gấp rút hoàn thành kế hoạch đẩy mạnh đầu tư xây dựng CCN trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2022 và những năm tiếp theo. Cùng với đó, tiếp tục kêu gọi công tác đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng CCN nhằm huy động nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các CCN và CCN làng nghề. Đặc biệt, ưu tiên xây dựng CCN tại các làng nghề có nhu cầu bức thiết về mặt bằng sản xuất hoặc những làng nghề có mức độ ô nhiễm cao, nhằm di dời các hộ sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và Huyện ủy, UBND huyện Thường Tín có văn bản số 591/UBND-KT ngày 1/6/2022 báo cáo UBND TP và Sở Công Thương về phương án phát triển các CCN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như sau: Thực hiện tốt quy hoạch và quy mô 10 CCN đã có trong danh mục quy hoạch tại Quyết định số 1292/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, gồm: Quất Động 1, Liên Phương, Duyên Thái, Ninh Sở, Tiền Phong… Đồng thời, đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch CCN Hồng Vân do không còn phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.

Cùng với đó, đề xuất điều chỉnh, mở rộng, tìm, triển khai các CCN với loại hình phù hợp như quy mô 11 CCN so với Quyết định số 1292/QĐ-UBND gồm các CCN: Văn Tự, Thắng Lợi, Dũng Tiến… Bên cạnh đó, huyện đề nghị T.Ư, TP bổ sung mới 9 CCN, gồm: Thống Nhất 65ha, Nhất Hiệu 34ha, Vân Ninh khoảng 45ha, Phú Vân 73ha… Việc quy hoạch, phát triển xây dựng CCN trong những năm qua là tiền đề quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, phát triển du lịch, dịch vụ địa phương.

Dự kiến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính Trị, Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020 - 2025, địa bàn Thường Tín sẽ hình thành và phát triển khoảng 30 CCN với tổng diện tích khoảng 1.091ha. Các CCN đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết khó khăn vướng mắc về mặt bằng, giảm ô nhiễm môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đây là tín hiệu đáng mừng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Nhờ có sự quan tâm của T.Ư, TP, thực hiện Nghị quyết Đảng bộ về triển khai thu hút đầu tư, đến nay Thường Tín có thêm CCN Tiền Phong giai đoạn 2 (8,1ha), CCN Thắng Lợi (8,9ha) đã khởi công xây dựng và CCN Ninh Sở giai đoạn 2 (7,7ha) đang được gấp rút hoàn thiện nốt hồ sơ pháp lý để sớm thi công. Bên cạnh đó, dự kiến, Thường Tín sẽ có thêm 7 CCN, CCN làng nghề được UBND TP phê duyệt thành lập mới và mở rộng trong thời gian tới, gồm: Hòa Bình (7ha), Hiền Giang (10ha), Nguyễn Trãi (5,7ha)… Đồng thời, trình bổ sung quy hoạch, đề xuất TP thành lập mới CCN Tín An (74ha) và các CCN khác.