Xây dựng đặc khu kinh tế: Tránh dàn trải dẫn đến cạnh tranh với nhau

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế ( HCKTĐB) đặc biệt, hay còn gọi là Đặc khu hành chính - kinh tế. Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ được áp dụng chung cho 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Chiều 10/11, trình bày sự cần thiết để ban hành Luật, thay mặt Chính phủ đọc Tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 1942, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã xây dựng và phát triển khá thành công các mô hình khu thương mại tự do, ĐKKT, đặc khu hành chính, thành phố tự do...(gọi tắt là ĐKKT). Các ĐKKT này đã và đang trở thành đầu tàu phát triển, có tính lan tỏa và tiếp tục được hoàn thiện, thành lập mới ở trình độ cao hơn.
 Vân Đồn nhìn từ trên cao. Ảnh: Internet.
Một trong những nội dung quan trọng nhất là Dự luật đã xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho đặc khu; cũng như đề xuất về mô tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu. Theo đánh giá của Chính phủ, việc hình thành các đơn vị HCKTĐB không chỉ thu hút đầu tư mà còn tạo ra công ăn việc làm cho lực lượng lớn người lao động.
Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi như: Thu hẹp ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 ngành, nghề xuống còn 108 ngành, nghề được áp dụng riêng tại đơn vị HCKTĐB; bãi bỏ những hạn chế về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển của đơn vị HCKTĐB; Cho phép lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài; Cho phép nhà đầu tư được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại đơn vị HCKTĐB, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài tại Tòa án nước ngoài; Quy định việc thực hiện các thủ tục về đầu tư, kinh doanh...tại Trung tâm hành chính công theo cơ chế một cửa liên thông và qua hệ thống mạng trực tuyến.
Mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở như: Cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án trong một số lĩnh vực và các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị HCKTĐB; Cho phép tổ chức kinh tế được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam; Quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở thương mại trong dự án nhà ở và dự án bất động sản nghỉ dưỡng từ các tổ chức, cá nhân trong nước.
Về chính sách huy động nguồn lực và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội: Nhà đầu tư được đề xuất hình thức đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo thông lệ quốc tế; Đối với các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư của nhà đầu tư mà chưa bố trí được vốn thì nhà đầu tư được phép ứng trước vốn để thực hiện và được lựa chọn các phương thức thức hoàn trả vốn ứng trước quy định tại Luật; Quy định NSTW hỗ trợ có mục tiêu cho các đơn vị HCKTĐB và để lại toàn bộ số tăng thu nội địa trên địa bàn trong 10 năm để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, công trình bảo vệ môi trường và thực hiện chính sách đặc thù quy định tại Luật; Cho phép bội chi ngân sách đơn vị HCKTĐB để đầu tư dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được quyết định bằng các nguồn vay trong nước.
Ngoài ra, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các ĐKKT trên thế giới để thu hút đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển.
Về Chính sách phát triển các ngành dịch vụ, du lịch: Quy định cho phép giá trị bán hàng miễn thuế cho khách du lịch tại khu phi thuế quan bằng với định mức miễn thuế nhập khẩu đối với hành lý của người nhập cảnh cho từng lần nhập cảnh. Thực hiện miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 60 ngày và cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài. Cho phép các hãng hàng không quốc tế được phép vận chuyển hàng không quốc tế kết hợp nhiều điểm tại đơn vị HCKTĐB. Áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ kinh doanh casino, đặt cược thấp hơn mức thuế suất hiện hành trong 10 năm. Ngoài ra còn có các chính sách vượt trội khác phù hợp với yêu cầu phát triển của đơn vị HCKTĐB.
Dự thảo Luật cũng quy định riêng về ngành, nghề ưu tiên phát triển đối với từng đơn vị HCKTĐB. Cụ thể: Vân Đồn: phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; dịch vụ thương mại và mua sắm.
Bắc Vân Phong: phát triển các ngành công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, tài chính.
Phú Quốc: phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm; dịch vụ quản lý tài sản; dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao; công nghệ sinh học.
Thẩm tra Dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ủy ban Pháp luật cho rằng, khi xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào đặc khu cần bảo đảm hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của các nhà đầu tư, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển của từng vùng, không ảnh hưởng đến văn hóa, môi trường và thiên nhiên.
Do đó, việc xem xét, đánh giá về tác động của chính sách được đề xuất cần được tiến hành một cách toàn diện đối với các nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm các nhà đầu tư tiềm năng, các doanh nghiệp hiện hữu, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp cơ sở và tác động đối với cư dân địa phương...
Việc xác định các ngành, nghề chiến lược ưu tiên thu hút đầu tư cũng phải phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, tránh trùng lặp, tránh áp dụng dàn trải các chính sách dẫn đến cạnh tranh giữa chính những đặc khu với nhau; phải xác định cạnh tranh chủ yếu là với các nước trong khu vực và quốc tế...
Box: Bên hành lang Quốc hội Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các đặc khu sẽ tạo ra sân chơi mới, một thể lệ mới nhằm đón nhận, thu hút làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ trên thế giới hiện nay.
“Đây là cơ hội cho Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư lớn. Chủ trương đã có, bây giờ cần phải được luật hóa để nhanh chóng thành lập các khu đơn vị hành chính đặc biệt nhằm tạo ra những thể chế tốt nhất, vượt trội so với hệ thống pháp luật trong nước, thậm chí cạnh tranh được với các nước trong khu vực và quốc tế”, ông Dũng nhấn mạnh. Người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư nêu rõ: Những đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt có vị trí chiến lược, có lợi thế so sánh đủ để phát triển được. Khi tạo ra thể chế mới cho những khu này có thể sẽ có những đóng góp lớn cho những ngành được lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đồng thời phù hợp với xu thế quốc tế. Ví dụ, dịch vụ, công nghệ cao, y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải, trí, thương mại...