Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng Danh mục báo, tạp chí cấp cho vùng đặc biệt khó khăn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Danh mục các loại báo, tạp chí Nhà nước đặt hàng để cấp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2015 sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý I/2010.

KTĐT - Danh mục các loại báo, tạp chí Nhà nước đặt hàng để cấp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2015 sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý I/2010.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, đã chỉ đạo Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Danh mục nói trên, căn cứ kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 975/QĐ-TTg ngày 20/7/2006 của Thủ tướng.

Quá trình xây dựng Danh mục có xem xét đến tạp chí Hồn Việt.

Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong khi Thủ tướng chưa phê duyệt Danh mục này, sẽ không xét duyệt bổ sung các báo, tạp chí mới.

Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 975/QĐ-TTg, hiện nay đã có tổng cộng 22 ấn phẩm của 19 tòa soạn được xuất bản, phát hành với hơn 166 triệu tờ phục vụ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Ví dụ như, chuyên đề "Nhi đồng măng non" của Báo Nhi đồng (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), phát hành 24 số/năm, cấp cho các trường tiểu học các xã miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, các trường dân tộc nội trú bậc tiểu học của các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mỗi số: 1 tờ/lớp.

Báo "Nông thôn ngày nay" của Hội Nông dân Việt Nam, phát hành 260 số/năm, cấp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mỗi số: 1 tờ/Hội Nông dân xã; cấp cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, mỗi số: 1 tờ/Chi hội Nông dân.

Báo "Văn hóa" của Bộ Văn hóa - Thông tin, phát hành 104 số/năm, cấp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mỗi số: 1 tờ/Ủy ban nhân dân xã; cấp cho khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, mỗi số: 1 tờ/thôn, bản..v..v

Nhà nước cấp (không thu tiền) một số loại báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn là nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng này.