Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng định hướng, giải pháp để phát triển toàn diện hơn về văn hóa

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, huyện Mê Linh cần đánh giá một cách rõ ràng, khách quan tiềm năng, lợi thế của huyện để từ đó có những định hướng, giải pháp rõ ràng, tổng thể cho câu chuyện phát triển, trong đó có sự quan tâm toàn diện hơn về văn hóa.

Chiều 24/10, Đoàn giám sát số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" tại huyện Mê Linh.

Tham dự buổi giám sát có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận cuộc giám sát.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận cuộc giám sát.

9/13 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra

Báo cáo của huyện Mê Linh cho thấy, sau gần 3 năm thực hiện, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy gắn với Chương trình số 10-CTr/HU ngày 28/12/2020 của Huyện ủy. Theo đó, các chỉ tiêu của Chương trình số 06-CTr/TU được thực hiện đảm bảo tiến độ. Trong đó có 9/13 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra và các chỉ tiêu còn lại đảm bảo tiến độ, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch.

Ngoài ra, công tác xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn huyện được triển khai, cụ thể hóa bằng việc thực hiện các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, gắn với việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử TP Hà Nội. Nhờ đó đã thu hút được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện.

Theo đó, bám sát Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy, trên cơ sở tình hình thực tiễn của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cụ thể hóa thành các mục tiêu. Đối với Nghị quyết số 09-NQ/TU, huyện đã triển khai số hoá kết nối, chia sẻ dữ liệu, đảm bảo thông tin liên thông chuyên nghiệp. Quan tâm đầu tư xây dựng, tôn tạo hệ thống các thiết chế văn hoá, di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng, lễ hội, văn hoá dân gian. Tập trung phát triển các ngành, các sản phẩm công nghiệp văn hoá mà huyện có tiềm năng, lợi thế.

Chương trình số 06-CTr/TU được cụ thể thành 13 chỉ tiêu, đến nay đã có 9 chỉ tiêu đạt và vượt. Hiện huyện đang tiếp tục thực hiện đảm bảo tiến độ với 4 chỉ tiêu còn lại và phấn đấu hoàn thành đạt, vượt kế hoạch đề ra.

Nổi bật, đối với nhóm chỉ tiêu phát triển văn hoá, thể thao: Tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 90,6% (vượt kế hoạch của huyện 90%; vượt chỉ tiêu của TP 86-88%). Tỷ lệ thôn được công nhận danh hiệu Làng văn hóa đạt 86,4% (đạt kế hoạch của huyện 85-87%; vượt chỉ tiêu của TP 65%). Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 94,4% (vượt kế hoạch của huyện 90%; vượt chỉ tiêu TP 75%). Tỷ lệ thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá đạt 100% (phấn đấu đạt kế hoạch của huyện và mục chỉ của TP 100%). Số di tích xếp hạng cấp TP đạt 4 đã công nhận (đã lập hồ sơ đề nghị xếp hạng thêm 2 di tích, phấn đấu vượt kế hoạch của huyện là 5 di tích). Số lượt khách du lịch đón và phục vụ hàng năm đạt 800.000 lượt (đạt kế hoạch).

Đối với nhóm chỉ tiêu phát triển GD&ĐT: Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 53/78, đạt 67,9% (phấn đấu đạt kế hoạch của huyện là 85-90% và chỉ tiêu của TP là 80-85%). Đối với nhóm chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% (phấn đấu đạt kế hoạch của huyện là 80-85% và chỉ tiêu của TP là 75-80%). Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 42,5% (phấn đấu đạt kế hoạch của huyện và chỉ tiêu của TP là 55-60%). Giải quyết việc làm mới hàng năm đạt 2.670 lượt người (đạt kế hoạch của huyện là 2.500-3.000 lượt người)…

Chú trọng chuyển dịch quy hoạch sang mô hình nông nghiệp đô thị

Phát biểu kết luận cuộc giám sát, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong ghi nhận nỗ lực của huyện Mê Linh trong việc cụ thể hóa Chương trình số 06-CTr/TU 6 và Nghị quyết số 09-NQ/TU thông qua việc ban hành các đề án, kế hoạch. Đồng thời, quan tâm đầu tư phát triển đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở; sự mạnh dạn, đột phá trong xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc cũng như tinh thần tiên phong trong chuyển đổi số.

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, công tác tổ chức còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; hiệu quả huy động nguồn lực từ Nhân dân còn hạn chế. Từ đó, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị, huyện Mê Linh cần đánh giá một cách rõ ràng, khách quan về tiềm năng, lợi thế của huyện để từ đó có những định hướng, giải pháp rõ ràng, tổng thể cho câu chuyện phát triển, trong đó có sự quan tâm toàn diện hơn về văn hóa.

“Chẳng hạn như vấn đề quy hoạch đô thị, cần chú trọng lấy sông Hồng làm trục cảnh quan khu trung tâm, gắn với bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa của người dân cũng như công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống vùng đất cổ...” - Phó Bí thư Thành ủy gợi ý.

Phó Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu huyện cần chú trọng chuyển dịch quy hoạch sang mô hình nông nghiệp đô thị. Mạnh dạn tính đến việc quy hoạch khu trung tâm thể thao vùng; xây dựng đề án bảo tồn 2 làng hoa truyền thống. Đồng thời, rà soát lại hệ thống di sản trên địa bàn để có kế hoạch bảo tồn, tôn vinh cho phù hợp; hay xây dựng đề án tổ chức Festival hoa thực sự có tầm vóc, với lộ trình ban đầu có thể ở tầm TP rồi tầm nhìn là Festival hoa quốc tế…