Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng định hướng ứng phó cụ thể cho 7 vùng thiên tai

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được ông Văn Phú Chính - Cục trưởng Cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết tại hội nghị hưởng ứng 71 năm ngày phòng, chống thiên tai (22/5/1946 - 22/5/2017) diễn ra mới đây.

Định hướng ứng phó cụ thể cho 7 vùng thiên tai.

Theo đó, 7 vùng thiên tai được xác định gồm: Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; Miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ; Đô thị lớn, tập trung; và Vùng biển, hải đảo. Đối với mỗi vùng địa lý nêu trên, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tai đã xây dựng định hướng, phương án ứng phó cụ thể, phù hợp với điều kiện địa - chính trị, xã hội của từng khu vực.

Đơn cử như đối với khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong thời gian tới, sẽ hoàn thiện và thực thi quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết trên các tuyến sông có đê; hoàn thành công trình nâng cấp đê sông, đê biển, các công trình bảo đảm an toàn hồ chứa; ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành các công trình đê điều, thủy lợi. Cùng với đó là bảo vệ không gian thoát lũ thông qua quản lý chặt chẽ, ngăn chặn và xử lý triệt để những vi phạm về đê điều, thủy lợi…

Cũng theo ông Văn Phú Chính, bên cạnh xây dựng định hướng, kế hoạch ứng phó cụ thể đối với 7 vùng thiên tai nêu trên, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cũng đã xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp chung trong phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai thời gian tới. Cùng với đó là các hoạt động ưu tiên về thể chế - chính sách và giải pháp công trình. Theo đó, có 17 thể chế - chính sách và 16 hoạt động công trình đã được xác định cần tập trung ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới.