Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng đô thị thông minh: Phải bắt đầu từ quy hoạch thông minh

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hơn 3.300km2 và trên 8 triệu dân, những vấn đề về quy hoạch và an sinh xã hội đã trở thành thách thức không nhỏ trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô. Do vậy, Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng mô hình thành phố thông minh ứng dụng công nghệ mới thời kỳ 4.0, với mục tiêu giải quyết những tồn tại, đồng thời mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân.

Hà Nội ngày càng phát triển. Ảnh: Tuấn Anh
Vẫn nhiều hạn chế
Bên cạnh cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân, đô thị hóa và phát triển đô thị thời gian qua cũng đặt ra cho Hà Nội không ít thách thức như việc tập trung dân cư ngày càng cao, tiêu thụ tài nguyên lớn, tác động tiêu cực đến môi trường hay quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Nhất là sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện đồng bộ một khối lượng lớn quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, sau 9 năm triển khai vẫn còn một số tồn tại, bất cập.

Theo Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, thời gian qua, công tác lập và thẩm định quy hoạch đô thị tuy đã đạt được khối lượng lớn nhưng còn chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ cũng như chất lượng. Việc thực hiện phân cấp trong công tác quy hoạch của UBND cấp huyện còn nhiều lúng túng, một phần do quy định chưa rõ ràng, chưa xác định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị. Việc triển khai thực hiện quy hoạch sau khi phê duyệt còn chậm, nhất là ở các địa phương. Bên cạnh đó, còn thiếu nguồn lực và tính tập trung trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, cải tạo chung cư cũ, công tác giải phóng mặt bằng… khiến bộ mặt đô thị chưa được đồng bộ, khang trang. Ngoài ra, công tác quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế, việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng, nhà đất "siêu mỏng, siêu méo" còn chậm so với yêu cầu...

Lãnh đạo Sở QH - KT cho rằng, những hạn chế tồn tại kể trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân chủ quan như việc áp dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, chủ yếu mới chỉ kiểm soát được số lượng, tình trạng và thủ tục hành chính của các đồ án quy hoạch. Thông tin, dữ liệu chưa liên thông được từ TP đến các sở, ngành, quận, huyện. Việc thống kê chi tiết, đối chiếu, so sánh lũy kế… vẫn phải thực hiện thủ công làm mất nhiều thời gian thực hiện, thiếu chính xác, thống nhất giữa các kỳ báo cáo, giữa sở, ngành, địa phương…

Trước những tồn tại trên, hơn lúc nào hết yêu cầu thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ mới thời kỳ 4.0 vào công tác quy hoạch, quản lý đô thị là hết sức cần thiết đối với Hà Nội hiện nay.

Quy hoạch phải là bệ đỡ

Theo các chuyên gia, để xây dựng thành phố thông minh cần thực hiện nhiều yếu tố nhưng quy hoạch bao giờ cũng phải là lĩnh vực đi trước và định hướng phát triển cho các lĩnh vực tiếp theo. Do đó, cần sớm xây dựng thể chế, hành lang pháp lý về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát, vận hành đô thị thông minh nhằm đảm bảo tính chiến lược, bền vững. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhận định, kinh nghiệm thành công của nhiều nước cho thấy, nhằm hướng tới mục tiêu làm cho thành phố thông minh hơn phải bắt đầu từ quy hoạch thông minh, xây dựng công cụ nhằm quản lý phát triển đô thị trên nền tảng quy hoạch và việc lồng ghép những nội dung này vào chiến lược đô thị hóa cần được coi là vấn đề trung tâm. “Việc xây dựng đô thị thông minh phải thực hiện một cách bài bản theo quy hoạch. Quản lý phát triển đô thị thông minh cần theo lộ trình, kế hoạch mới có thể từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị, tạo ra cơ hội phát triển con người, không ai bị bỏ lại phía sau” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được định hướng với cấu trúc không gian: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 3 đô thị sinh thái. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái bằng hành lang xanh. Hành lang xanh chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của TP, đây là các khu vực làng xóm cũ chứa đựng rất nhiều giá trị truyền thống cả về vật thể và phi vật thể. Ngoài ra, đây cũng là các không gian sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề truyền thống. Không gian này được bảo tồn một mặt đảm bảo an ninh lương thực cho Thủ đô, mặt khác cũng giúp cho Thủ đô Hà Nội phát triển một cách bền vững.

5 nhóm giải pháp cốt lõi

Để giải quyết được bài toán định hướng chiến lược, tầm nhìn quy hoạch kết nối các vùng đô thị mới với khu vực truyền thống trong bối cảnh nền kinh tế 4.0, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, TP xác định giải quyết 5 nhóm vấn đề. Trong đó, nhóm vấn đề được ưu tiên đặt lên hàng đầu là đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Theo đó, TP sẽ phát triển ứng dụng thông minh hỗ trợ ra quyết định trong công tác lập, thẩm định, công bố công khai quy hoạch đô thị. Phát triển hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch và tiếp nhận ý kiến góp ý, phản hồi của cộng đồng, giám sát thực hiện quy hoạch đô thị. Đồng thời, đổi mới lý luận cũng như phương pháp lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Nhóm vấn đề thứ hai là phát triển hạ tầng đô thị thông minh, trong đó đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh và hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông (ICT). Nhóm vấn đề thứ ba là phát triển các tiện ích, dịch vụ công cộng thông minh cho dân cư đô thị, đẩy mạnh triển khai ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán trực toán, khuyến khích các mô hình giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe trực tuyến... Thứ tư, tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ phục vụ công tác lập, triển khai quy hoạch theo hướng phát triển đô thị thông minh bền vững. Thứ năm, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về đô thị thông minh.

Phó Chủ tịch UBND TP thông tin, trên cơ sở các nhóm vấn đề trên, trong thời gian tới, TP Hà Nội tập trung ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng, phát triển quy hoạch đô thị thông minh bền vững; lập kế hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng và quản lý phát triển hạ tầng đô thị thông minh. Đồng thời thực hiện các chương trình, dự án thí điểm phát triển đô thị thông minh bền vững, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử. Ngoài ra, thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và chuyên môn đáp ứng nhu cầu phát triển, vận hành đô thị thông minh theo các giai đoạn.
Quy hoạch đô thị thông minh cần được xác định là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Thông minh hóa đô thị là một quá trình cần sự tham gia của nhiều bên, các cấp, ngành, nhà khoa học và khối DN tư nhân.

Chủ tịch Hiệp hội Các đô thị Việt Nam Võ Hồng Ánh