Xây dựng đô thị thông minh: Quy hoạch là yếu tố trụ cột

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Để kiểm soát được phát triển đô thị nhanh, mạnh, hiệu quả theo hướng bền vững, tạo ra không gian đáng sống cho người dân, việc đưa các yếu tố của đô thị thông minh vào trong việc thiết kế, quy hoạch đô thị là điều hết sức cần thiết đối với các TP lớn, trong đó có Hà Nội.

Những bước đi ban đầu

Xây dựng đô thị thông minh là một trong những chiến lược trọng điểm của Hà Nội trong thời gian tới. Mục tiêu này đã được nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP “xanh - thông minh - hiện đại”.

Để cụ thể hóa mục tiêu, trong giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai. Cơ sở hạ tầng viễn thông của TP được đầu tư phát triển hiện đại, an toàn, vùng phủ dịch vụ rộng.

Một góc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Một góc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Cùng với việc xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cũng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giải quyết một số lĩnh vực “nóng” như giao thông, du lịch, y tế, môi trường…

Cụ thể, để quản lý hệ thống giao thông rộng lớn như hiện nay, TP đã thành lập Trung tâm điều hành giao thông thông minh, tích hợp toàn bộ những vấn đề liên quan đến giao thông. Hay như Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước được thành lập với chức năng, theo dõi diễn biến mưa, quản lý lượng mưa, mực nước, giám sát tình hình hoạt động của các trạm bơm…

Cùng đó, xây dựng hệ thống HSDC Maps để theo dõi, cảnh báo, hướng dẫn người dân di chuyển trong mùa mưa bão. Tương tự, trước áp lực của vấn đề ô nhiễm không khí, TP đang bắt đầu triển khai các hệ thống đo chất lượng không khí trên địa bàn và thông báo qua app người dân có thể biết về chất lượng không khí tại khu vực mình sinh sống…

Đặc biệt, năm 2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 03-CTr/TU về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025", trong đó có hướng tiếp cận mới, được kỳ vọng sẽ giải quyết hài hòa những thách thức của đô thị hiện nay.

Trong đó đã đề ra những giải pháp trọng tâm để giải quyết những hệ lụy của quá trình đô thị hóa như quá tải hạ tầng, ô nhiễm, ngập úng…, hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Một trong những chỉ tiêu của Chương trình là từ nay đến năm 2025 triển khai đầu tư xây dựng từ hai đến ba khu đô thị mới theo định hướng thông minh.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để hiện thực hóa mục tiêu, các sở, ngành, UBND quận, huyện của TP đã và đang tích cực triển khai, hiện đã có những kết quả bước đầu trong việc xây dựng các khu đô thị thông minh. Trong đó, những dự án khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park tại quận Nam Từ Liêm; thành phố thông minh tại huyện Đông Anh do Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) thực hiện đã bắt đầu đưa các yếu tố của đô thị thông minh vào trong thiết kế và quy hoạch. Những dự án khu đô thị này chính là động lực thúc đẩy xây dựng, phát triển TP thông minh trong giai đoạn tới.

Tập trung vào yếu tố trụ cột

Chủ trương phát triển đô thị thông minh được Chính phủ định hướng triển khai từ năm 2018 với Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đã khẳng định để phát triển đô thị thông minh cần tập trung vào ba yếu tố quan trọng là quy hoạch đô thị thông minh, xây dựng và quản lý đô thị thông minh và dịch vụ tiện ích thông minh.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa và dữ liệu mở. Kể từ đó đến nay, với những kế hoạch và bước đi rất cụ thể, Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh. Hiện Hà Nội đang triển khai thực hiện lập Quy hoạch TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, đồng thời rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được lập từ năm 2011.

Các chuyên gia đô thị đều cho rằng để kiến tạo, kiểm soát được sự phát triển đô thị nhanh, mạnh và hiệu quả theo hướng bền vững, tạo ra môi trường sống chất lượng cho người dân, TP nên tập trung vào yếu tố trụ cột trong phát triển đô thị thông minh, đó là quy hoạch đô thị thông minh.

TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh (trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho hay, đô thị thông minh được hình thành trên các tiêu chí cơ bản như: Quy hoạch đô thị thông minh, nền kinh tế thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, cư dân thông minh, cộng đồng thông minh, quản trị đô thị thông minh và xã hội thông minh. Trong đó, quy hoạch đô thị thông minh được coi là trụ cột trong phát triển đô thị thông minh.

“Khi đánh giá một đô thị được coi là đô thị thông minh gồm có rất nhiều chỉ tiêu, trong đó yếu tố về quy hoạch phát triển đô thị có tầm quan trọng đặc biệt. Tuy nhiên đây cũng là thách thức mà các đô thị tại Việt Nam nói chung cũng như Hà Nội nói riêng đang phải đối mặt như về giao thông, môi trường, không gian sáng tạo ở đô thị…” - TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh cho hay.

Để thực hiện được chiến lược xây dựng đô thị thông minh, theo TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh, trong quá trình làm quy hoạch, thông qua công cụ quy hoạch tích hợp, Hà Nội cần phát triển các đơn vị đô thị thông minh (khu vực xây dựng mới, khu vực hiện hữu, khu vực cải tạo chỉnh trang hoặc các khu vực tái thiết) là hạt nhân lan tỏa, kết nối và thúc đẩy phát triển TP thông minh, tạo thành hệ thống mạng lưới kết nối phát triển không gian TP thông minh.

Để thực hiện được nội dung này, TP cần giải quyết được bốn vấn đề quan trọng đang là những thách thức trong quá trình phát triển đô thị đó là: Đổi mới mô hình cấu trúc đô thị, xây dựng mô hình đơn vị đô thị thông minh làm hạt nhân cho xây dựng TP thông minh bền vững, tích hợp công nghệ.

Cùng với đó, phân vùng kiểm soát, gìn giữ các cấu trúc tự nhiên hệ sinh thái đô thị, tạo nên đặc trưng cảnh quan và môi trường khu dân cư đô thị. Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển mô hình đô thị nén, TOD gắn với cung cấp hệ thống giao thông công cộng đô thị, tích hợp công nghệ thông minh, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo (xe điện, tàu điện).

Cuối cùng là phát triển các tòa nhà thông minh, không gian công cộng sáng tạo, thông minh, tích hợp công nghệ, cung ứng dịch vụ đô thị.

 

"Xây dựng thành phố thông minh không chỉ đơn thuần là các giải pháp kỹ thuật số và công nghệ tiên tiến mà ở đó cần lấy người dân làm trung tâm, đáp ứng nhu cầu, thực tế và nguyện vọng của công dân, sử dụng công nghệ và đổi mới để cải thiện cuộc sống và sinh kế của họ." - TS.KTS Nguyễn Hoàng Minh - trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần