Bởi chỉ như vậy, DN mới có lợi nhuận ổn định, tăng trưởng đều và quan trọng hơn cả là có cống hiến cho cộng đồng.
Trong khi đó, nhiều DN lại băn khoăn, làm thế nào để bản thân DN phát triển bền vững, mỗi chủ DN mong muốn DN của mình trường tồn, tuổi thọ DN kéo dài, với mong muốn đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững cho đất nước.
Sứ mệnh mang lại cho cộng đồng
Theo chuyên gia chiến lược Lê Anh Minh- Chủ tịch Hệ sinh thái DN phát triển bền vững (Sale Values), một DN phát triển bền vững trước tiên cần có sự hoàn thiện, sáng tạo và đi lên về mặt doanh thu, lợi nhuận, con người, thị trường, tổ chức quản lý, đặc biệt, sự cống hiến cho xã hội ngày càng phải nhiều hơn.
“Bền vững đơn giản là phải an toàn. Tức là chúng ta có thể chấp nhận những rủi ro nhưng phải đảm bảo làm mọi thứ trong năng lực. Một DN phát triển bền vững là 1 DN có được nền tảng vững chắc, đồng bộ, có sứ mệnh mang lại cho tất cả cho cộng đồng. Tất nhiên, DN đó cần phải có tầm nhìn ít nhất 30 năm trở lên”, chuyên gia Lê Anh Minh nói.
Sau nhiều năm nghiên cứu và trực tiếp huấn luyện cho các doanh nhân, chuyên gia Lê Anh Minh cho rằng, cấu trúc để xây dựng thành một DN phát triển bền vững rất đơn giản. Để một DN phát triển bền vững, đầu tiên, phải tìm 2 vấn đề: Hệ thống và con người. Hãy tìm những người đồng đội phù hợp với mình và xây dựng một hệ thống DN thật hiệu quả.
Bán sản phẩm bán kèm niềm tự hào
Đưa ra tiêu chí quan trọng để một DN được coi là DN phát triển bền vững, GS. Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổ hợp Giáo dục, đào tạo và tư vấn quốc tế Stellar Management Corp lại cho rằng, một DN phát triển bền vững là một DN có sứ mệnh và mục tiêu lâu dài, phải biết cách xây dựng tên tuổi, thương hiệu, phong cách làm việc, được khách hàng, xã hội tin tưởng. “Một DN xã hội là một DN dám bỏ 50% lợi nhuận của mình để phục vụ cộng đồng, xã hội, dám đưa chuyên gia, chuyên viên của mình để làm cho xã hội. Điều đó chứng tỏ, DN đó phát triển bền vững”, GS. Hà Tôn Vinh nêu.
Và cũng theo GS. Hà Tôn Vinh, để xây dựng mô hình DN phát triển bền vững, các doanh nhân hãy luôn đặt câu hỏi tại sao cho những vấn đề của sản phẩm phục vụ cũng như sự phát triển của DN. Khi bán sản phẩm hãy bán kèm với niềm tự hào và sự hãnh diện khi sử dụng sản phẩm và dịch vụ đó. “Tại Hoa Kỳ, có tới 97% DNVVN và ở các DN này, muốn bền vững, họ không bán hàng mà bán giải pháp, bán sự thành đạt”, GS. Hà Tôn Vinh dẫn chứng.
Kết nối tạo nên sức mạnh cộng đồng
Trong khi đó, TS. Hàn Mạnh Tiến- Chủ tịch Hội các nhà quản trị DN Việt Nam (VACD) lại nêu quan điểm, bên cạnh các yếu tố như sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu gia tăng không ngừng của thị trường, một DN muốn được đánh giá phát triển bền vững phải kiên quyết không gây ảnh hưởng đến những yếu tố như môi trường, đạo đức và nhiều khía cạnh khác của xã hội. “Các DN nên có tầm nhìn xa trong sản phẩm, trong cách làm cũng như sẵn sàng cho sự thay đổi, phải quản trị tốt sự thay đổi ấy”, TS. Hàn Mạnh Tiến lưu ý.
Công ty TNHH thiết bị và sản phẩm an toàn Việt Nam - Protec (KCN Nội Bài) trong giờ lao động sản xuất. |
Theo TS. Hàn Mạnh Tiến, việc kết nối giữa các doanh nhân, DN với nhau thực sự tạo ra sức mạnh cho cộng đồng doanh nhân, DN. Trong thời đại hiện nay, không có sự kết nối, rõ ràng chúng ta không thể thực hiện thành công, đạt được các mục tiêu phải làm.
Đối với từng DN, đây là sự phối hợp, kết nối chia sẻ thông tin, tìm kiếm các cơ hội đầu tư, tìm kiếm các khách hàng, tạo nên một niềm tin cho nhau để thực hiện các dịch vụ, hợp đồng kinh tế. Bên cạnh các yếu tố khác, pháp luật, các tính toán, yếu tố làm tên rất quan trọng.
Đối với từng doanh nhân, việc kết nối lại càng quan trọng hơn. Những người càng phải ra các quyết định lớn thì sự cô đơn càng lớn. Việc giao tiếp, chia sẻ các thông tin, quan điểm, chia sẻ các vấn đề thực sự giúp cho các doanh nhân, DN có thể tự tin nhiều hơn, có thể thấy được sức mạnh cộng đồng, tạo nên hệ thống các quan hệ để phát triển kinh doanh.