Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt: Một vốn bốn lời

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở GTVT Hà Nội vừa trình UBND TP kế hoạch xây dựng, lắp đặt 600 nhà chờ xe buýt tại 12 quận. Nhiều chuyên gia cho rằng, nhà chờ xe buýt là khoản đầu tư “một vốn bốn lời”, cần được triển khai sớm.

Từ hiện trạng còn nhiều bất cập
Hiện tại khu vực 12 quận của Hà Nội có 1.078 điểm dừng đón trả khách cho xe buýt; trong đó mới chỉ có 365 điểm được đầu tư nhà chờ có mái che, đạt khoảng 33,8%. Đây là một trong những bất cập lớn nhất của mạng lưới xe buýt Thủ đô. Việc thiếu các nhà chờ có mái che khiến không ít người dân phát sinh tâm lý ngại sử dụng xe buýt do phải chờ đợi trong điều kiện mưa nắng thất thường.
Bên cạnh đó, mỗi điểm dừng xe buýt hiện nay chỉ có một biển treo kích thước 60 x 80cm hoặc 60 x 100cm, đủ để niêm yết tên, lộ trình các tuyến buýt đi qua điểm. Không thể tận dụng những tấm biển này để quảng bá thêm thông tin cho mạng lưới xe buýt.
Nhiều chuyên gia cho rằng, không những thiếu trầm trọng, hệ thống nhà chờ xe buýt của Hà Nội hiện vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, chưa tạo thành nguồn lực để tái đầu tư cho hạ tầng giao thông công cộng của TP. Phó Giám đốc Trung tâm quản lý & điều hành giao thông đô thị Thái Hồ Phương cho biết, qua rà soát đánh giá, việc đầu tư và quản lý hệ thống nhà chờ đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập.
Cụ thể, do hình thức đầu tư nhỏ lẻ, nhiều nhà đầu tư tham dự nên hệ thống nhà chờ thiếu sự đồng bộ về thiết kế, mẫu mã. Việc quản lý, khai thác sau đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên dẫn đến gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ hành khách. Hình thức, mô hình quảng cáo tại các nhà chờ chưa có sự thống nhất; dữ liệu thông tin, tiện
ích phục vụ hành khách chưa đồng bộ, hiện đại...
Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ, ở nhiều nước khác, nhà chờ xe buýt không chỉ phục vụ hành khách, quảng cáo mà còn là một kênh thông tin phổ biến, hữu ích cho khách du lịch. "Nhiều người nước ngoài, hoặc ngoại tỉnh đến Hà Nội thích sử dụng xe buýt. Nếu mọi nhà chờ đều có niêm yết thông tin về các điểm tham quan, thắng cảnh, sẽ thuận tiện hơn và góp phần tích cực thu hút du khách đến những nơi này" - ông Thành nói.
Mặt khác, trên địa bàn TP đang tồn tại nhiều loại biển quảng cáo trên các dải phân cách giữa nhiều tuyến đường, do nhiều công ty quảng cáo khai thác dẫn đến tình trạng khó quản lý. DN tự ý lắp đặt biển quảng cáo không phép, sai phép; xây dựng biển hiệu không đúng quy định, không đồng bộ và chất lượng không bảo đảm… gây mât mỹ quan đô thị.
Nâng chất lượng phục vụ, tạo nguồn lực tái đầu tư
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, thực tế đó đòi hỏi TP phải có sự quản lý bài bản, chặt chẽ, đồng bộ quy hoạch hệ thống nhà chờ xe buýt, biển quảng cáo với quy hoạch đô thị nói chung. Để khắc phục những bất cập nêu trên, Sở GTVT đã trình UBND TP Đề án: “Xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận của Hà Nội theo hình thức đối tác công tư (PPP)”.
Theo Đề án, Hà Nội sẽ xây dựng, lắp mới 600 nhà chờ xe buýt; trong đó có 270 chiếc lắp đặt mới, 330 chiếc thay thế cũ. Đồng thời lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ Wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp, phục vụ tra cứu thông tin du lịch kết hợp quảng cáo. Đề án cũng xác định kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện Đề án sẽ tự thu xếp 100% kinh phí để đầu tư toàn bộ các hạng mục công trình; và được khai thác kinh doanh quảng cáo một phần diện tích để thu hồi vốn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đầu tư đồng bộ hệ thống nhà chờ, biển quảng cáo ngoài trời sẽ mang đến cho Hà Nội nhiều lợi ích, là bài tính “một vốn bốn lời”. Mạng lưới xe buýt sẽ có hạ tầng chất lượng, thu hút được người dân sử dụng; việc khai thác quảng cáo sẽ tạo thêm nguồn lực để tái đầu tư cho giao thông công cộng; ngành du lịch, du khách đến Hà Nội sẽ có thêm một kênh thông tin, chỉ dẫn hữu ích. Và cuối cùng là xóa bỏ những nét nhếch nhác, tạo nên vẻ ngăn nắp, văn minh cho bộ mặt đô thị của Thủ đô.

"Việc xây dựng đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và cảnh quan đô thị văn minh là hết sức cần thiết." - Phó Giám đốc Trung tâm quản lý & điều hành giao thông đô thị Thái Hồ Phương