Xây dựng hàng rào kiểm soát lưu thông động vật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có diễn biến phức tạp mà nguyên nhân có phần do khâu kiểm soát lưu thông giữa các địa phương.

Chủ động kiểm soát dịch

Hà Nội là TP đông dân, với khoảng 9 triệu người. Trung bình mỗi ngày toàn TP tiêu thụ hết khoảng 314.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Trong khi đó, lượng thực phẩm tự cung cấp chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của người dân, phần còn lại do các địa phương khác cung cấp hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, thị trường thực phẩm tươi sống, thực phẩm nhập khẩu đông lạnh có nguồn gốc động vật, gia cầm ở Hà Nội rất phong phú. Bên cạnh đó, Hà Nội lại tiếp giáp với 8 tỉnh, hàng ngày lượng xe chở động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn TP rất lớn, khiến cho việc kiểm soát, phòng ngừa các loại dịch bệnh gặp không ít khó khăn.
Lực lược Thú y Hà Nội kiểm tra tại một lò giết mổ gia cầm. Ảnh Hoài Nam

Để kiểm soát dịch bệnh, ngoài việc phối hợp với các lực lượng liên ngành như Công an PC81, PC49 và cử cán bộ tham gia vào các đoàn liên ngành của Sở, TP…, Chi cục Thú y Hà Nội còn tăng cường phối hợp với chi cục thú y các tỉnh. Đến nay, Chi cục Thú y Hà Nội đã ký kết với 24 tỉnh, TP phía Bắc trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật. Việc phối hợp này đã xây dựng được hàng rào kiểm soát động vật, sản phẩm động vật lưu thông và hình thành mạng lưới liên lạc giữa các tỉnh trong công tác kiểm dịch, vệ sinh thú y, ATTP.
Ông Đỗ Phú Sơn – Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: Việc phối hợp giữa các tỉnh giúp cho quá trình trao đổi thông tin nhanh chóng, thuận tiện hơn, giúp các tỉnh ứng phó nhanh khi có dịch, đảm bảo không để dịch lây lan, bùng phát. Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở Hà Nội cơ bản ổn định, không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Qua đó, thúc đẩy nền chăn nuôi của Hà Nội và các tỉnh phát triển.

Nhưng vẫn còn bất cập

Tuy nhiên, quá trình phối hợp kiểm dịch giữa cơ quan chức năng các địa phương hiện vẫn còn nhiều bất cập. Công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật của một số tỉnh còn nhiều sơ suất, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm. Một số tỉnh không thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát và niêm phong chặt chẽ với động vật nhập về Hà Nội. Vì vậy, trong quá trình vận chuyển, chủ hàng đã thay đổi, đánh tráo hàng hóa không đảm bảo tiêu thụ trên thị trường. Ông Đinh Quốc Sự - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình bộc bạch: “Là địa phương tiếp giáp và cung cấp một lượng lớn động vật, sản phẩm động vật cho Hà Nội, nhưng thực sự hiện nay, Ninh Bình không thể quản lý hết được do lực lượng kiểm dịch còn mỏng”.

Một khó khăn nữa là, đa số các trạm kiểm dịch chỉ xác nhận bằng cảm quan, một số bệnh phát hiện bằng mắt thường, khó phát hiện dịch bệnh bên trong. Kiểm dịch viên chủ yếu chỉ kiểm tra về số lượng, niêm phong thùng xe, giấy kiểm dịch tiêm phòng…, sau đó phun tiêu độc khử trùng rồi cho xe đi. Vì vậy, quá trình kiểm dịch khó tránh khỏi sai sót.

Thực tế trên cho thấy, dù đã vào cuộc quyết liệt, tăng cường kiểm soát bằng nhiều giải pháp, nhưng rõ ràng vấn đề kiểm soát động vật, sản phẩm động vật vẫn là một bài toán nan giải. Vì vậy, để kiểm tra, kiểm soát tốt động vật nhập từ các tỉnh, thành cần sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng thú y các địa phương để xây dựng một hàng rào vững chắc trong việc kiểm tra lưu thông gia súc, gia cầm giữa các địa phương, ngăn chặn, hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh, hướng tới một nền chăn nuôi an toàn.           

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần