Xây dựng hệ thống đại lý thu BHXH: Giải pháp để chính sách đến gần người dân

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại lý thu được coi là cánh tay nối dài của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) để các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đến với người dân. Trong bối cảnh phát triển bảo hiểm còn khó khăn, việc phát triển hoạt động của đại lý thu là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu…

Làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Đưa chính sách bảo hiểm đến với người dân
Đến hết năm 2020, cả nước có tổng số 11.851 đại lý thu (gồm UBND xã, phường, thị trấn; đơn vị sự nghiệp; tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức kinh tế) với 37.728 điểm thu và 52.225 nhân viên đại lý thu.

Trong những năm qua, đại lý thu BHXH, BHYT đã đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT. Nhân viên đại lý thu đến từng nhà, tuyên truyền từng hộ gia đình, từng người dân để vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; thực hiện tổ chức thu và trả kết quả cho người dân, tạo được niềm tin cho người dân trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Đại lý thu được ví là cánh tay nối dài của cơ quan BHXH. Với lợi thế bám sát địa bàn, hàng ngày tiếp xúc với người dân, nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT đã đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT tại cơ sở, trực tiếp giúp người dân nâng cao nhận thức, thấy rõ lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT.

Tính đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện của nước ta trên 1,1 triệu người, trong đó số người do đại lý thu khai thác chiếm 92,5% tổng số đối tượng tham gia, còn lại 7,5% tham gia trực tiếp tại cơ quan BHXH; số người tham gia BHYT hộ gia đình gần 19,4 triệu người, trong đó số người do đại lý thu khai thác chiếm 95%, còn lại 5% tham gia trực tiếp tại cơ quan BHXH.

Tích cực lan tỏa chính sách

Sau 25 năm hình thành và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng (so với các quốc gia cùng trình độ phát triển và GDP) với khoảng 86 triệu dân tham gia BHYT, chiếm gần 90% dân số; gần 15 triệu người lao động tham gia và thụ hưởng BHXH.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 100% dân số tham gia BHYT và 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vẫn còn nhiều khó khăn. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, tiếp tục xây dựng mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT chuyên nghiệp, hiệu quả. Thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ mở rộng, phát triển đại lý thu BHXH, BHYT và nhân viên đại lý thu theo hướng đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật tại mỗi điểm thu; ứng dụng linh hoạt công nghệ thông tin trong hoạt động của đại lý thu; đảm bảo kiến thức nghiệp vụ và các kỹ năng cho nhân viên đại lý thu…

Tại Hà Nội, đến nay trên địa bàn toàn TP đã có trên 650 đại lý thu với trên 1.500 điểm thu BHXH, BHYT, với 2.300 nhân viên phủ sóng rộng khắp từ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, đại lý y tế, Mặt trận Tổ quốc, bưu điện, UBND xã, đại lý ban quản lý chợ… Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm cơ quan BHXH đều có đánh giá kết quả từng đại lý thu để đôn đốc kịp thời.

Để nâng cao hiệu quả của đại lý thu, BHXH TP đã tổ chức nhiều lớp đào tạo để nhân viên đại lý thu kịp thời hiểu rõ quy định mới, phương pháp tuyên truyền hiệu quả để người dân tích cực tham gia. Bên cạnh đó, BHXH TP còn giao chỉ tiêu cụ thể để BHXH huyện giao chỉ tiêu đến từng đại lý thu. Khi được giao chỉ tiêu, nhân viên đại lý thu và cả cơ quan BHXH đã thực hiện phương châm “bám làng, bám dân”, gặp gỡ, tiếp xúc với các nhóm đối tượng tiềm năng để tư vấn cho người dân hiểu được những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra, BHXH TP cũng tạo cơ chế thuận lợi giúp các đại lý thu hoạt động mang tính chuyên nghiệp, coi đó là một nghề để có thu nhập ổn định thường xuyên. Như vậy nhân viên đại lý thu sẽ chuyên tâm hơn vào việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.