Nhiều cách làm cụ thể
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhắc nhở, Nhân dân là người thầy nghiêm khắc và nhân ái, luôn luôn đòi hỏi cao ở cán bộ, đảng viên; đồng thời cũng sẵn lòng giúp đỡ cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, trở nên tiến bộ. Trong Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Việc gì cũng phải “bàn bạc với dân chúng”, “tin vào dân chúng. Ðưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”. “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể lớn, nghĩ mãi không ra”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, tại Hà Nội, qua 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, cách làm mới, kinh nghiệm hay trong việc “gần dân, sát dân”. Những mô hình như “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”, “Nụ cười công sở” được triển khai và lan tỏa; nhiều kết quả giải quyết thủ tục hành chính được trả tại nhà cho người dân. “Thư xin lỗi”, “Thư cảm ơn”, “Thư chúc mừng”, “Thư chia buồn”... đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền tới người dân. Không những thế, với việc mỗi năm hàng nghìn thủ tục hành chính được các cơ quan của TP kiến nghị đơn giản hóa, đã giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí khi làm thủ tục. Qua khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020 cho thấy, từ năm 2018 đến nay, mức hài lòng của tổ chức, công dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính được nâng lên.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền việc học Bác cũng có nhiều đổi mới, từng bước khắc phục bệnh hình thức, hô hào cứng nhắc, thay vào đó là việc nêu gương, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, tồn đọng của Nhân dân, nhất là trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Lắng nghe dân
Học Bác về tư tưởng trọng dân không còn là khái niệm chung chung và đã tạo ra những kết quả cụ thể mà người dân cảm nhận, thấy rõ được. Tại các quận, huyện, các buổi đối thoại giữa lãnh đạo và người dân, những việc lớn như GPMB, quản lý đất đai đến những việc nhỏ như vệ sinh ngõ xóm, thu gom rác thải... đều được trả lời, giải trình rõ ràng. Từng kiến nghị của người dân được xem xét, xử lý đã tạo đồng thuận từ cơ sở, giúp người dân tin tưởng vào chính quyền hơn. Như tại quận Long Biên, thực hiện Chỉ thị 05 được vận dụng sáng tạo trong thực tiễn. Trong đó, cấp ủy tập trung lãnh đạo giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, dư luận phản ánh, theo hướng ngành nào, cấp nào bị phản ánh đều phải có văn bản trả lời cụ thể, trong đó nêu rõ trách nhiệm người đứng đầu. Công việc này được kiểm soát hàng tháng. Nhờ đó, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 05, đã có 439 nội dung được UBND quận, phường và các đơn vị trả lời, giải quyết, đạt tỷ lệ hơn 98%.
Tại huyện Chương Mỹ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã yêu cầu, hàng tháng các đồng chí huyện ủy viên phụ trách xã, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm xã về dự sinh hoạt cùng chi bộ nông thôn. Nếu ở xã xảy ra việc đột xuất, bất ngờ mà ủy viên Ban Thường vụ, Huyện ủy viên được giao phụ trách địa bàn không nắm được sẽ bị xử lý trách nhiệm. Nhờ đó, huyện đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị đề ra.
Từ thực tế cho thấy, đa số cán bộ, đảng viên đã thực hiện gần dân, sâu sát dân, tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên chưa gần dân, thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao... Biểu hiện cụ thể là tình trạng khiếu kiện vượt cấp còn diễn biến phức tạp tại Hà Nội có nguyên nhân chủ yếu do cấp ủy, chính quyền cơ sở chậm nắm bắt tình hình, giải quyết không hiệu quả; những “phàn nàn” về bệnh quan liêu, cửa quyền vẫn chưa dứt hẳn. Do đó, lãnh đạo TP đã yêu cầu cán bộ thuộc các cấp, các ngành phải tiếp tục phát huy tính nêu gương trong tự rèn luyện, tự tu dưỡng, tự soi, tự sửa và tinh thần phục vụ Nhân dân. Từ đó, truyền tải tới cán bộ, đảng viên và lan tỏa tới các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, việc học tập và làm theo Bác theo hướng trọng dân, gần dân, hướng về Nhân dân tiếp tục góp phần lớn hơn nữa trong xây dựng Đảng và hệ thống chính quyền các cấp ở địa phương.