Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng hình ảnh người cán bộ ứng xử chuẩn mực

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gắn việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh với công tác chuyên môn, TP Hà Nội đã chú trọng xây dựng đạo đức công vụ nhằm đổi mới tác phong, lề lối công tác của đội ngũ thực thi công vụ. Kết quả thực hiện đã giúp đội ngũ này nâng cao trách nhiệm, ngày càng ứng xử chuẩn mực, phục vụ tận tình hơn.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải
Việc nhỏ tác dụng lớn
Học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất, không nói chung chung, hình thức, có thể nói rằng, chính nhờ việc đổi mới phong cách làm việc, xây dựng hình ảnh người cán bộ chuẩn mực, đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nội, thực hiện tốt phương châm “lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ”.
Cùng với liên tiếp hai năm thực hiện chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, Hà Nội cũng ban hành và triển khai hiệu quả Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP; triển khai Đề án “Cải thiện, nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân và cơ quan hành chính TP Hà Nội, hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả”... đã khắc phục những hạn chế, tồn tại trong thực hiện văn hóa công vụ thời gian qua ở các cơ quan, đơn vị. Qua đó, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân.
Trong đó, nhiều mô hình như bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp; cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng; xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp… đã trở thành những điển hình điểm. Cùng với đó, việc triển khai các mô hình tuyên truyền quy tắc ứng xử đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả quận, huyện, thị xã và các đơn vị.
Điển hình như với mong muốn nâng cao chất lượng phục vụ và làm cho người dân ngày càng hài lòng hơn nữa khi đến với chính quyền, từ nhiều năm nay, quận Nam Từ Liêm và UBND các phường đã xây dựng và thực hiện phương châm hành động “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn); “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả); “3 không” (không chậm trễ giải quyết hồ sơ và công việc; không sách nhiễu, phiền hà người dân; không để tổ chức, công dân đi lại nhiều lần) và “10 nguyên tắc giao tiếp với công dân”. Một số địa phương khác như các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Long Biên, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoài Đức, Mê Linh, Ứng Hòa, Thanh Trì… cũng chủ động hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ gắn với sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm; từ đó tạo chuyển biến về tinh thần phục vụ người dân.
Theo đánh giá của các quận, huyện, có những việc tưởng như rất nhỏ như sự niềm nở, tận tình với người dân tuy nhỏ, nhưng đều mang một ý nghĩa lớn là thể hiện sự quan tâm của chính quyền, cơ quan đối với các tổ chức, cá nhân và người dân. Qua đó thực sự đã mang lại những thiện cảm từ người dân, rút ngắn khoảng cách giữa những
người thực thi công quyền với người dân.
Tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu
Từ những kết quả đã có, trong thời gian tới, xây dựng văn hóa công vụ vẫn tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của TP. Trong đó, để chuẩn hóa những giá trị văn hóa công sở, nâng cao đạo đức công vụ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị gắn với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu, xây dựng các mô hình văn hóa thanh lịch, văn minh, nhất là mô hình văn hóa ứng xử tại bộ phận “một cửa”, văn hóa giao tiếp thân thiện của người dân với khách du lịch và văn hóa trong cộng đồng các khu chung cư... Phát động phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng” trên toàn TP, gắn với thực hiện Chỉ thị.
Gần đây, để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án văn hóa công vụ, UBND TP tiếp tục ban hành Kế hoạch số 163/KH -UBNDTP cụ thể hóa các yêu cầu. Trong đó nhấn mạnh, việc thực hiện văn hóa công vụ là một trong những tiêu chí để làm căn cứ, cơ sở trong việc bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng hằng năm; các trường hợp vi phạm quy định về văn hóa công vụ sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.
Từ nay đến năm 2020, TP cũng hoàn thành việc tổ chức các chương trình bồi dưỡng văn hóa công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí về văn hóa công vụ; phát động thi đua thực hiện văn hóa công vụ.