Tới dự buổi lễ có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và TP qua các thời kỳ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phúc Thọ nhân sự kiện đặc biệt này.
Sức sống trên miền quê giàu truyền thống
Phát huy bề dày lịch sử 200 năm xây dựng và phát triển, hơn 10 năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phúc Thọ đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo; tích cực lao động, sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Giai đoạn 2010 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của huyện Phúc Thọ đạt 9,2%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Huyện đã tập trung phát huy các thế mạnh phát triển kinh tế ở mỗi địa phương; từng bước phát triển dịch vụ, thương mại, làng nghề tiểu thủ công nghiệp theo quy hoạch. Quan tâm thu hút đầu tư mở rộng sản xuất; huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng hành và tham gia tích cực của Nhân dân, huyện Phúc Thọ đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 02-CTr/TU (khóa XV, XVI) và Chương trình số 04-CTr/TU khóa XVII của Thành ủy. Đến nay, 20/20 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, và Phúc Thọ đạt 9/9 tiêu chí “Huyện nông thôn mới”.
Đáng chú ý, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống của Nhân dân huyện Phúc Thọ không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người dân trên địa bàn huyện cuối năm 2021 đạt hơn 62 triệu đồng/năm (tăng hơn 5 lần so với năm 2010); đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang…
Ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phúc Thọ, tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Huyện Phúc Thọ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; tháng 11/2021, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Phúc Thọ vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020”.
Hiện thực hoá tiềm năng, lợi thế phát triển
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến bày tỏ tin tưởng những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Phúc Thọ sẽ là nền tảng vững chắc để địa phương tiếp tục phát huy nội lực, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị.
“Chúng ta cần xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc; vì vậy, cần tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu…” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị.
Thường trực Thành ủy nhấn mạnh Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cũng đã đề ra phương hướng: Xây dựng nông thôn mới của TP theo hướng “sản xuất nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Những nội dung nêu trên là định hướng quan trọng cho huyện Phúc Thọ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
“Huyện Phúc Thọ cần tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để Nhân dân được tham gia đóng góp và trực tiếp thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân…”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến
Để làm được điều đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đặt ra đòi hỏi cho huyện Phúc Thọ nói riêng, là cần quyết tâm hơn nữa, biến những tiềm năng, lợi thế thành hành động; khắc phục những khó khăn để phấn đấu xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Trong giai đoạn tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện Phúc Thọ cần bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy; trên cơ sở đó, tập trung xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án tiếp tục xây dựng nông thôn mới của huyện phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn.
Chủ động rà soát các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 để không ngừng nâng cao tiêu chí nông thôn mới. Chỉ đạo các xã xây dựng lộ trình rõ ràng, cụ thể hóa bằng những kế hoạch để xây dựng tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tiêu chí đô thị sinh thái theo đúng kế hoạch huyện đề ra.
“Tiếp tục rà soát lại các quy hoạch; tích hợp quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng với phương châm quy hoạch phải đi trước một bước” cũng là yêu cầu, nhiệm vụ được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đặt ra đối với huyện Phúc Thọ, với mục tiêu duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí gắn với phát triển đô thị sinh thái.
Nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển kinh tế, Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện Phúc Thọ cần tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; gắn với thúc đẩy chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho TP Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng lưu ý huyện Phúc Thọ cần tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh; tiếp tục phát triển giáo dục, đào tạo. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình về giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề cho lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế… tạo điều kiện cho mọi người dân được tiếp cận thị trường và phát triển kinh tế.
Một nhiệm vụ quan trọng khác được lãnh đạo Thành ủy đề ra trong giai đoạn phát triển mới là huyện Phúc Thọ cần tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, tiếp tục chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, tâm huyết, năng động, sáng tạo, vì sự nghiệp chung; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ngay từ giai đoạn đầu triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Phúc Thọ đã xác định Nhà nước và Nhân dân cùng làm, lấy sức dân là chính, người dân vừa là chủ thể và là đối tượng thụ hưởng. Hơn 10 năm qua, Nhân dân địa phương đã tự nguyện hiến đất, công trình, hiện vật, ngày công, tiền của ủng hộ xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới của huyện là 4.028 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp và Nhân dân đóng góp là 1.114 tỷ đồng (chiếm trên 29%).