Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 là cơ hội để cơ quan nhà nước và doanh nghiệp “cùng nhau lắng nghe”; cùng ngồi lại để xác định rõ một số vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý liên quan tới hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, có thể đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
“Qua Diễn đàn này, Ban Tổ chức muốn truyền tải thông điệp: Thể chế, pháp luật phải phục vụ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước luôn đồng hành với doanh nghiệp, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Doanh nghiệp cần đề cao tính tuân thủ pháp luật theo nguyên tắc pháp quyền” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, hơn 2 năm qua, trong bối cảnh tác động mạnh mẽ, sâu rộng của đại dịch Covid-19 và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu đã và đang đối mặt với nhiều bất ổn, khó lường do lạm phát, thiếu hụt năng lượng, xung đột… Những bất ổn, khó lường đó đang và sẽ đặt ra những thách thức chưa từng có cho chúng ta trong mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế cũng như như việc triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Để sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, đồng thời khơi dậy tiềm năng nội tại của doanh nghiệp Việt Nam để phục hồi và phát triển, việc cơ quan nhà nước chủ động phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, nhận diện và tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn pháp lý để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá, đạt được những thành tựu mới là vô cùng cần thiết. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh của quốc gia.
“Thời gian qua, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải nâng cao sự hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật là một kênh trao đổi thiết thực, hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp…” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu các ý kiến, khó khăn, vướng mắc được nêu tại Diễn đàn để xây dựng lộ trình, phương án giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách cụ thể, kịp thời, hiệu quả. Cùng đó, tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chủ động nhận diện, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi, đa chiều giữa các diễn giả, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư xung quanh hai nhóm chủ đề lớn: “Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý của doanh nghiệp”; và “Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh”. Chủ đề, nội dung xuyên suốt của Diễn đàn đã bám sát và phản ánh khá rõ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp gắn với bối cảnh kinh tế - xã hội trong năm 2022 cũng như trong thời gian tới.
Qua những ý kiến phản ánh từ phía doanh nghiệp, các Bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin, nắm bắt được một cách sâu sát tâm tư, nguyện vọng cũng như các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để từng bước có giải pháp tháo gỡ. Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng nhận diện được tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc bảo đảm ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, hiểu rõ hơn về vai trò của mình trong đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Đồng thời, Diễn đàn cũng tạo dựng được niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sát cánh cùng doanh nghiệp, sẵn sàng lắng nghe, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp.