Xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai một số nơi còn hình thức

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về Phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Cùng dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về PCTT sáng 25/4 còn có đại diện nhiều bộ ngành Trung ương, các tổ chức và lãnh đạo địa phương. Tại đầu cầu Hà Nội có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn và đại diện nhiều sở ngành, 30 quận, huyện, thị xã…

Còn nhiều tồn tại, hạn chế

Năm 2021, thiên tai tuy không khốc liệt, dị thường như năm 2020 nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Cả nước đã ghi nhận 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão - áp thấp nhiệt đới, 326 trận dông lốc, mưa lớn, 170 trận lũ quét, sạt lở đất, 403 điểm sạt lở nguy hiểm, 139 trận động đất…

So với năm 2020, thiệt hại về thiên tai đã được giảm thiểu đáng kể. Tuy nhiên, con số ghi nhận vẫn đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể, thiên tai năm 2021 đã khiến 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020). Dù thiệt hại về kinh tế giảm 87% so với năm 2020 nhưng vẫn lên tới trên 5.200 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị. Ảnh: Đức Tuân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì hội nghị. Ảnh: Đức Tuân.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT đã thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT năm 2021. Điển hình là vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nhất là xây dựng lực lượng xung kích PCTT ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa phát huy tốt hiệu quả.

Bên cạnh đó, khả năng ứng phó với tình huống thiên tai lớn bị động, lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai triển khai còn chậm, không dứt điểm. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp. Công tác vận hành, điều tiết lũ hồ chứa còn tồn tại, bất cập…

Giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản

Thông tin tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (Bộ TN&MT) Trần Hồng Thái, nhận định năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật, với khoảng 12 - 14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc; khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cùng đại diện nhiều sở ngành tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cùng đại diện nhiều sở ngành tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Khu vực Bắc Bộ dự báo tổng lượng mưa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng 7 đến tháng 9/2022. Đỉnh lũ trên các sông Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 1 - 2, phổ biến cao hơn năm 2021; riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2 - 3. Các đợt lũ lớn phổ biến tập trung vào nửa cuối mùa lũ (tháng 8). 

 

Năm 2021, Hà Nội chịu ảnh hưởng của 5 cơn bão và hoàn lưu sau bão; 15 đợt mưa, 15 đợt không khí lạnh và 9 đợt nắng nóng. Thiên tai đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của Nhân dân, làm sạt lở, hư hỏng và gây ra hơn 40 sự cố công trình đê điều, thuỷ lợi.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn TP tiếp tục chịu ảnh hưởng của một số đợt rét đậm, rét hại, mưa dông khiến nhiều diện tích cây trồng bị ngập úng, gãy đổ, mất trắng… 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, đánh giá năm 2021, thiệt hại do thiên tai gây ra là thấp nhất so với nhiều năm qua. Kết quả này có được là do trong năm qua, có sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của các cấp, bộ ngành. Đặc biệt là sự vào cuộc các địa phương và đông đảo tầng lớp Nhân dân.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT năm 2021, nhất là công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai lớn. Bên cạnh đó, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu trước sự tàn phá của mưa lớn, bão, lũ…

Nhận định thời tiết, thiên tai năm 2022 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai. Các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát kế hoạch PCTT năm 2022; chủ động nâng cao công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành trong xử lý sự cố, thiên tai.

Tiếp tục củng cố lực lượng xung kích, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp trong công tác PCTT. Đẩy mạnh công tác truyền thông, kỹ năng ứng phó thiên tai cho người dân, nhất là tại các khu vực dễ bị tổn thương. Đồng thời, quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác PCTT bằng nhiều nguồn vốn.

“Các bộ ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, tránh tâm lý chủ quan; phấn đấu giảm thiểu tối đa, để tổn thất do thiên tai gây ra trong năm 2022 sẽ thấp hơn năm 2021, đặc biệt là về số người chết, mất tích…” - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh yêu cầu.