Xây dựng Nghị định quản lý, phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/3, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn (NN-PTNT) tổ chức “Hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản”.

Theo báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2023 của Việt Nam đạt 53,01 tỉ USD, thặng dư thương mại là 12,07 tỉ USD.

Trong đó, 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD. Sáu nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD. Tuy nhiên, 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thương hiệu nông sản Việt Nam vẫn bị xâm phạm ở nước ngoài như ST25, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.

Tại Hội thảo, sau khi nghe các ý kiến của đại biểu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận định, để bảo vệ giá trị của sản phẩm Việt Nam, cần phải có cơ chế pháp lý để quản lý thương hiệu nông sản trong thời gian tới. 

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, giao cho Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường cùng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tham mưu xây dựng Nghị định về quản lý và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam để trình Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc xây dựng Nghị định này phải theo chuỗi giá trị nhãn hiệu nông sản, từ khâu chọn giống, gieo trồng đến lúc ra sản phẩm, đăng ký chất lượng quốc gia và quốc tế. Từ đó, phân định được trách nhiệm của từng cơ quan Bộ, ngành. 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị Cục Chế biến, Chất lượng và phát triển thị trường cùng với các hiệp hội ngành hàng, đơn vị có liên quan chọn ra một số sản phẩm chủ lực thí điểm thực hiện trước.