Sáng 5/9, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật giám định tư pháp.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cho biết, Bộ Tư pháp đã thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập để soạn thảo Nghị định, phấn đấu ban hành Nghị định cùng với thời điểm Luật giám định tư pháp có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2013. Dự kiến, tháng 10 tới, dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, Luật giám định tư pháp liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, vì thế Bộ Tư pháp sẽ tổ chức các hội thảo để mời các chuyên gia bộ, ngành góp ý cho Nghị định. Dự thảo Nghị định gồm 6 chương với 29 điều.
Về phạm vi quy định của dự thảo, theo quy định tại Điều 46 Luật giám định tư pháp thì Chính phủ hướng dẫn chi tiết các các điều khoản được giao. Tuy nhiên qua nghiên cứu, một số quy định trong Luật giám định tư pháp còn chưa được quy định cụ thể, chi tiết có thể gặp lúng túng trong việc áp dụng Luật trên thực tế, nên ngoài việc quy định chi tiết, hướng dẫn các điều, khoản mà Chính phủ được giao, Nghị định cần hướng dẫn thêm các nội dung cần thiết khác.
Toàn cảnh phiên họp thứ nhất Tổ biên tập Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật giám định tư pháp. (Nguồn: moj.gov.vn)
Việc mở rộng phạm vi quy định của dự thảo Nghị định phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, phạm vi quy định của dự thảo Nghị định sẽ được mở rộng gồm: cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, chế độ làm việc của các tổ chức giám định tư pháp công lập; Chế độ, chính sách đối với người giám định tư pháp và người tham gia giám định; Chính sách đối với Văn phòng giám định tư pháp, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc…
Các đại biểu đã thảo luận để làm rõ mối quan hệ, cơ chế phối hợp giữa Trung tâm pháp y tỉnh với giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự và các cơ quan tiến hành tố tụng để bảo đảm hiệu quả hoạt động giám định pháp y tại các địa phương, đặc biệt để khắc phục và tránh tình trạng chồng lấn giữa hai lực lượng giám định pháp y này trong quá trình hoạt động trên một địa bàn.
Xung quanh nội dung quy định về người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có hai loại ý kiến. Một số ý kiến cho rằng không nên quy định người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự vì các lĩnh vực này đã có các tổ chức giám định tư pháp công lập, đội ngũ giám định viên đông đảo, trong đó có cả giám định viên tư pháp chuyên trách.
Có ý kiến cho rằng bản chất của giám định tư pháp là ý kiến đánh giá của chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn nên không nên hạn chế người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự. Việc quy định có tổ chức giám định tư pháp công lập là do các lĩnh vực này có số lượng vụ việc giám định lớn, yêu cầu phải giám định thường xuyên...
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung: tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp; chế độ, chính sách đối với tổ chức, người giám định; hoạt động giám định tư pháp... Các ý kiến của đại biểu sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ xem xét./.