Qua đó, TP đã tạo sự thống nhất trong hành động, quan điểm về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội gắn với tăng trưởng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến bộ và thực hiện công bằng xã hội, phát triển Thủ đô theo hướng bền vững.
Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức
Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong xây dựng, phát huy sức mạnh văn hóa, con người trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô. Đảng bộ Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, TP luôn đặc biệt quan tâm việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của T.Ư về phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, đến nay, trải qua 8 kỳ Đại hội (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), Đảng bộ TP Hà Nội đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện Thủ đô.
Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xã hội được kế thừa và phát triển qua từng giai đoạn. Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội (nhiệm kỳ 2020 - 2025) tiếp tục khẳng định nhận thức về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội được nâng lên. Đại hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và Anh hùng; Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững”.
Đồng thời, Đại hội khẳng định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng, quyết định phát triển bền vững Thủ đô”.
Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, giá trị, sức mạnh con người Hà Nội được minh chứng không chỉ vừa là mục tiêu, vừa là động lực mà còn là sức mạnh nội sinh, “nguồn lực quan trọng quyết định” cho sự phát triển bền vững Thủ đô trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, có tính chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ TP đã chủ động, sáng tạo, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ đều xây dựng, ban hành các Chương trình công tác lớn toàn khóa về văn hóa và xây dựng người Hà Nội như: Chương trình 05-CTr/TU (khóa XIII), Chương trình 08-CTr/TU (khóa XIV), Chương trình 04-CTr/TU (khóa XV, XVI), Chương trình 06-CTr/TU (khóa XVII).
TP đã không ngừng tổ chức triển khai, tạo bước đột phá, điểm nhấn trọng tâm cho nhiệm vụ phát triển con người bằng nhiều chương trình hành động, kế hoạch, giải pháp. Kết quả đến nay cho thấy, công tác xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô. Trong đó, tỷ trọng các ngành văn hóa, dịch vụ tăng cao, chiếm khoảng 65% GRDP của TP, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô Hà Nội.
Công tác xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, chuẩn mực người Hà Nội văn minh, thanh lịch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô và đất nước được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Nhiều phong trào thi đua được duy trì và đi vào nền nếp như phong trào “Người tốt, việc tốt”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là xây dựng các mô hình Gia đình văn hóa, Thôn (làng) văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức xét chọn và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”...
Hà Nội cũng là địa phương đã xây dựng, triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô và Quy tắc ứng xử nơi công cộng, đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh Thủ đô... Với những hướng dẫn vừa khoa học, cụ thể, vừa phù hợp với tình hình thực tế và sự vào cuộc của các các cấp, ngành từ TP tới cơ sở, văn hóa ứng xử của người
Hà Nội đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Một số mô hình hay, cách làm tốt được nhân rộng như: “Bộ phận một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”; “Trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp”; “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, “di tích lịch sử văn hóa – điểm đến an toàn, hấp dẫn”…
Con người là đích đến của mọi sự phát triển
Bên cạnh những kết quả đạt được, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Nội dung trên được nêu trong Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thể hiện rõ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để phân tích, chỉ ra những vấn đề này.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc Hà Nội tiếp tục ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã thể hiện đây là một nhiệm vụ quan trọng, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, với sự tập trung cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, để nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bởi xét cho đến cùng, con người là đích đến của mọi sự phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ... Chăm lo cho con người cũng là chăm lo cho sự phát triển bền vững đất nước. Nguồn lực con người chính là động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
GS.TS Phạm Hồng Tung - nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, Chỉ thị 30-CT/TU thực sự là một bước tiến mới, có tính đột phá trong cuộc vận động xây dựng đời sống đô thị văn minh, con người Hà Nội thanh lịch, bởi đây là lần đầu tiên có một sự chỉ đạo nhất quán, toàn diện ở cấp cao nhất của lãnh đạo TP, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đối với việc xây dựng đời sống văn minh đô thị. Hệ thống 9 nhiệm vụ và giải pháp của Chỉ thị cho thấy rằng toàn bộ hệ thống chính trị, toàn thể Nhân dân, các cơ quan, DN, cộng đồng làng, xã, phường, khối phố... phải cùng vào cuộc một cách quyết liệt, bài bản, kiên trì và có hiệu quả.
Thời gian qua, tại các quận, huyện trên địa bàn TP đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU. Cụ thể, tại Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng đề nghị cụ thể hóa các tiêu chí người Hà Nội thanh lịch - văn minh gắn với xây dựng các phong trào văn hóa và danh hiệu văn hóa, bảo đảm thiết thực và phù hợp thực tế. Trong đó, cần chú trọng xây dựng văn hóa trong giao tiếp, ứng xử; đặc biệt động viên các tầng lớp Nhân dân gương mẫu, sống nhân nghĩa, trách nhiệm gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động.
Tại quận Hai Bà Trưng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Trần Quyết Thắng yêu cầu đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CTr/TU; đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị. Đồng thời, quận vận động người dân không ngừng nâng cao ý thức chấp hành, tôn trọng kỷ cương, pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy nét đẹp truyền thống; có nếp sống văn hóa mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực đời sống.
Có thể nói, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là vấn đề quan trọng đối với mục tiêu phát triển văn hóa của Hà Nội. Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước, một “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, là Thành phố vì hòa bình và nay Hà Nội là Thành phố sáng tạo - đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới.
Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa
Hà Nội, trên nền tảng đó, Hà Nội có thể thực hiện được sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô. Đó là một mục tiêu lớn và khó, đòi hỏi không chỉ sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân đang sinh sống, làm việc tại Thủ đô thông qua những hành vi ứng xử mỗi ngày nhằm chung tay xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, một điểm đến đáng đến, một TP đáng sống.
Cần khơi dậy lòng tự hào, tình yêu, tinh thần trách nhiệm với Hà Nội; tuyên truyền trong dân, giáo dục thế hệ trẻ; nêu cao lòng tự trọng, tự tin, từ đó thấy rõ trách nhiệm với Hà Nội. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, lịch sự ("Chẳng thơm cũng thể hoa nhài; dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An").
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII