73 năm qua, đúng như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã trở thành một đất nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không ngừng vươn lên xây dựng, phát triển, đổi mới và hội nhập quốc tế.
Đánh giá về những thành tựu của đất nước, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, tuy còn nhiều ngổn ngang, bề bộn nhưng nhìn một cách tổng thể, những thành công vẫn là căn bản, các hạn chế trên bước đường phát triển cũng khó tránh khỏi. Nguyên Viện trưởng viện lịch sử Đảng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhấn mạnh việc dùng pháp luật để kiểm soát quyền lực và gắn pháp luật với kỷ luật Đảng.
Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ và vị thế như hiện nay
Nhìn lại những thành tựu của đất nước hơn 70 năm kể từ khi giành được độc lập, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh: Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử đã mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, đó là kỷ nguyên đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc, làm chủ xã hội, tạo tiền đề và điều kiện cần thiết để đưa đất nước phát triển theo con đường CNXH mà Cương lĩnh của Đảng từ năm 1930 đã đặt ra.
Chúng ta đã đạt được những thắng lợi vĩ đại, những thành công lớn của đất nước. Đó là xây dựng một nước Việt Nam độc lập theo đúng tinh thần của bản Tuyên ngôn năm 1945, đất nước độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nền độc lập ấy vẫn đang được củng cố vững chắc. Vị thế của nhà nước Việt Nam độc lập không chỉ được khẳng định ở trong nước mà cả trên trường quốc tế.
Thành quả thứ hai là nhân dân Việt Nam đã được hưởng tự do theo đúng Tuyên ngôn của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là độc lập, tự do, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng: “Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì nền độc lập ấy cũng không có nghĩa lý gì”. 73 năm nay, theo tư tưởng đó của Bác, Việt Nam vẫn không ngừng phấn đấu xây dựng nhà nước, chế độ mới. Đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, mọi người được sống trong một đất nước do chính mình làm chủ, tự do xây dựng cuộc sống của chính mình và đóng góp vào sự phát triển của đất nước. “Nếu so với năm 1945, đời sống của nhân dân đã tăng lên hàng trăm lần”, ông Phúc nhấn mạnh
Thành quả thứ ba theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc đánh giá, đó là vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ông nói: “Từ một nước phong kiến lạc hậu, một nước thuộc địa, thậm chí bị xóa tên trên bản đồ chính trị thế giới, chúng ta đã khôi phục và phát triển nền độc lập, ngày càng khẳng định vị thế trong quan hệ ngoại giao. Giờ đây chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 188 nước trong tổng số 193 nước thành viên của Liên Hợp Quốc; có quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia lớn trên thế giới; quan hệ với các khu vực, các cường quốc lớn ngày càng phát triển”.
Ông Nguyễn Trọng Phúc dẫn Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 khóa XII khẳng định: “Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ và vị thế như hiện nay. Có được cơ đồ và vị thế ấy, là kết hợp giữa sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị đúng đắn, phương pháp cách mạng thích hợp và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Một nguyên nhân không thể không nói tới đó là Đảng đã biết phát huy sức mạnh của dân tộc kết hợp sức mạnh của thời đại, sức mạnh trong nước kết hợp sức mạnh ngoài nước, tham gia tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Chính sự chủ động hội nhập quốc tế đó đã tạo ra điều kiện để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo rất sớm về công tác cán bộ
Những thành quả to lớn của đất nước là không thể phủ nhận. Nhưng, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cũng có rất nhiều trăn trở, trong đó ông đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ. “Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác mong muốn xây dựng một nhà nước, một chính phủ thực sự vì dân, “gánh việc chung cho dân, chứ không phải cai trị dân” nên “việc nào lợi cho dân thì hết sức làm, việc nào hại đến dân phải hết sức tránh”, theo cách nói của Bác. Nhưng hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, quan liêu, tham nhũng. Đây là nguy cơ lớn cần được khắc phục. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất chính là sự tu dưỡng của mỗi cán bộ đảng viên, đặc biệt đội ngũ cán bộ công chức”, ông Phúc trải lòng.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: "Chỉ có làm tốt công tác xây dựng nhà nước pháp quyền, quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật chứ không phải bằng đạo lý mới có thể siết chặt kỷ cương". |
Đạo đức là gốc nhưng pháp luật Nhà nước và kỷ luật Đảng là quan trọng
Để ngăn chặn suy thoái, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc dẫn lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi cho rằng, phải hết sức coi trọng giáo dục đạo đức, coi đó là gốc. “Xưa nay chúng ta cũng đã quán triệt những nội dung đó và vừa qua, Đại hội XII đã đưa vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức là một trong 4 nội dung xây dựng Đảng hiện nay. Theo tôi đó là một giải pháp căn cơ, cùng với Chỉ thị 05 về học tập tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, biện pháp giáo dục ấy là cái gốc để làm trong sạch bộ máy. Nếu lơ là giáo dục, không coi trọng giáo dục từ khi còn ngồi ghế nhà trường đến khi trở thành công chức, viên chức sẽ khó có thể ngăn chặn, đẩy lùi được tiêu cực”, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc bày tỏ.
Dù coi đạo đức là gốc nhưng quản lý nhà nước bằng pháp luật mới là điều căn bản. PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cho biết, Hiến pháp năm 1946 có thể xem là nền móng xây dựng nhà nước pháp quyền. Hiện chúng ta cũng đang thực thi quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tuy nhiên cần phải siết chặt kỷ cương pháp luật theo đúng tư tưởng thượng tôn pháp luật của Bác, mọi người đều phải sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Chỉ có làm tốt công tác xây dựng nhà nước pháp quyền, quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật chứ không phải bằng đạo lý mới có thể siết chặt kỷ cương. Bất kỳ ai đều phải tuân thủ pháp luật. Chỉ có thể dùng pháp luật để kiểm soát quyền lực, hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền. Hệ thống pháp luật cần gắn liền với kỷ luật Đảng. “Nếu kỷ luật Đảng tốt, pháp luật nghiêm nhất định sẽ quản lý đất nước, xã hội tốt, đẩy lùi được tiêu cực. Cùng với đó, bản thân mỗi cán bộ công chức luôn phải tự tu dưỡng rèn luyện, khi đó mặt sáng, tích cực sẽ ngày càng chiếm ưu thế, mặt tối, tiêu cực dần dần bị đẩy lùi”.
Trong xây dựng Đảng, cần lấy công tác cán bộ là then chốt, tức là then chốt của then chốt. Cho nên, nếu chọn được đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, có những tiêu chuẩn nổi bật: có đạo đức trong sáng, không tham nhũng, lãng phí, không lợi ích nhóm; có trí tuệ, trình độ cao để đủ sức lãnh đạo đất nước, xã hội; có năng lực tổ chức thực tiễn, năng lực làm việc, lãnh đạo quản lý; có uy tín với cấp dưới, đồng sự, với nhân dân; có tầm nhìn chiến lược, quan hệ rộng trong thời kỳ hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa… thì đất nước chắc chắn sẽ hưng thịnh.“Chúng ta vẫn mong muốn xây dựng đất nước nhanh nhưng phải bền vững, tránh được những rủi ro, nảy sinh những thách thức, khuyết điểm mới. Để làm được điều đó, theo tôi phải dồn vào một chữ “đồng bộ”, đồng bộ trên tất cả các phương diện. Đại hội XII cũng đã nhấn mạnh điểm này, đổi mới phải toàn diện nhưng cũng phải đồng bộ thì mới có hiệu quả”, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh./.