Xây dựng nông thôn mới: Dân thuận thì việc thông

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cánh đồng mẫu lớn ở xã Nhân Bình. Ảnh: VGP/Song Hải.

Việc triển khai xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Mặc dù công việc bộn bề và còn nhiều khó khăn để hướng tới thực hiện được đủ 19 tiêu chí nông thôn mới, nhưng khi lòng dân đã thuận, công việc sẽ thông. Câu chuyện ở Hà Nam là một ví dụ…

Chúng tôi có dịp về thăm Nhân Bình (huyện Lý Nhân), là xã vừa được tỉnh Hà Nam công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) cùng với vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng.

 
Cánh đồng mẫu lớn ở xã Nhân Bình. Ảnh: VGP/Song Hải.
Kinhtedothi - Cánh đồng mẫu lớn ở xã Nhân Bình. Ảnh: VGP/Song Hải.
Đổi thay từ những làng quê

Đi trên những con đường bê tông rộng rãi, trải dài từ huyện, tới xã, tới từng thôn, xóm; được nghe tâm sự của người dân mới cảm nhận rõ những đổi thay mà chương trình NTM mang lại ở vùng quê này.

Gặp ông Nguyễn Văn Khiên tại xóm 2, thôn Vạn Thọ, xã Nhân Bình trên đường đưa cháu đi học, ông hồ hởi tâm sự có đường mới, cuộc sống bà con nơi đây đã đổi thay nhiều. Trước, mỗi khi mưa xuống, đường lầy lội, quần áo lấm lem, đi lại rất vất vả, nay có đường bê tông, việc đi lại rất dễ dàng. Thóc lúa từ ngoài đồng chở thẳng vào tận sân; thương lái đi ô tô về đến từng nhà thu mua nông sản; kinh tế mỗi nhà trong thôn đều khá hơn hẳn.

Không chỉ có đường mới, Nhân Bình còn có trường mới, nhà văn hóa mới, trạm bơm nước mới… tất cả đều nhờ việc triển khai thực hiện chương trình NTM.

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Nhân Bình Nguyễn Minh Tuyền chia sẻ năm 2009, xã Nhân Bình được chọn để xây dựng thí điểm NTM. Ban đầu, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, do từ cán bộ đến người dân đều chưa hiểu rõ, hiểu đúng về xây dựng NTM, nên ai cũng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, vào Nhà nước. Nhờ chủ trương đúng đắn của lãnh đạo tỉnh, là phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được mục tiêu, nhiệm vụ của xây dựng NTM. Đó là xây dựng một bộ mặt NTM, sức sống mới cho người dân nông thôn, là công việc mà cả Nhà nước và mỗi người dân phải chung vai gánh vác. Từ đó, người dân đã đồng thuận, quyết tâm bỏ công sức, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nên chương trình phát huy được hiệu quả. Trong công tác giải phóng mặt bằng, ngân sách xã không mất đồng nào cho chi phí đền bù. Người dân đều tự nguyện hiến đất, chặt cây, phá tường rào hay nhà ở, lấy đất để làm đường nông thôn. Tiêu biểu có hộ hiến đến hàng trăm m2 đất, có hộ chặt 35 cây nhãn đang thu hoạch, một cái cổng mới xây hay 20 m2 nhà mái bằng, trị giá hàng chục triệu. Sau 4 năm triển khai xây dựng NTM, đến nay, tất cả 10,7km đường trục xã đã được bê tông hóa 100%.

 
Ngôi trường mới khang trang. Ảnh: VGP/Song Hải
Ngôi trường mới khang trang. Ảnh: VGP/Song Hải
Không chỉ làm đường, người dân còn hồ hởi góp tiền, góp sức cùng xây dựng các công trình xã hội khác, như trường mầm non, trung học và tiểu học của xã đều đã đạt chuẩn quốc gia về cứng hóa trường học; nhà máy nước sạch tập trung cũng đã hoàn thành và đi vào hoạt động cấp nước cho nhân dân; các trạm y tế, nhà văn hóa được xây dựng ở nhiều thôn, xóm. Hiện nay, việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhân Bình đã cơ bản hoàn thành, nhiệm vụ tiếp theo cần tiếp tục nâng cao đời sống, thu nhập của người dân bằng chuyển dịch cơ cấu sản xuất nhằm phát triển kinh tế. Như năm ngoái, xã Nhân Bình đã làm xong dồn điền đổi thửa và cho xây dựng thử mô hình cánh đồng mẫu lớn 81,5 ha, thực hiện canh tác đúng theo tiêu chí quy định: cùng giống đồng chà, cùng quy trình sản xuất. Làm được cánh đồng mẫu lớn, tập trung sản xuất cả 3 vụ, đã nâng cao giá trị cho mỗi ha canh tác, tăng từ 70, 80 triệu lên hơn 200 triệu; đồng thời tạo ra được khối lượng hàng nông sản lớn, thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào thu mua. Giờ không những kinh tế, mà đời song văn hóa và tinh thần của bà con cũng được nâng cao. “Đó là nhờ cả vào NTM”, ông Tuyền nói.

Đáng nói là Nhân Bình không phải là “ngôi sao sáng” duy nhất của huyện Lý Nhân. Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân Trần Văn Hạnh cho biết nhờ biết làm tốt công tác tuyên truyền, Lý Nhân đã khơi dậy tinh thần tự giác, cùng ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân toàn huyện, tạo không khí thi đua toàn dân chung sức xây dựng NTM, đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Đánh giá theo tiêu chí chấm điểm NTM, trong tổng số 22 xã của huyện Lý Nhân, thì còn có 4 xã đạt trên 90 điểm (như Nhân Bình), còn xã kém nhất cũng  trên 70 điểm. Trong thời gian tới, Lý Nhân sẽ tập trung chỉ đạo các xã tiếp tục triển khai thực hiện các tiêu chí NTM chưa hoàn thành. Đồng thời huyện Lý Nhân sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển nông nghiệp, bằng cách thực hiện có hiệu quả việc nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp thành công như cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nấm ăn… Song song với đó, Lý Nhân cũng chú trọng vào việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân, phát triển kinh tế địa phương.

 
Kênh mương được kiên cố hóa. Ảnh: VGP/Song Hải
Kênh mương được kiên cố hóa. Ảnh: VGP/Song Hải
Cứ có lợi cho dân thì làm

Nói về kinh nghiệm đúc kết được trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng khẳng định: Xuất phát điểm của mọi chủ trương, chính sách luôn phải phù hợp với thực tiễn và phải xác định lấy lợi ích của người dân là gốc. Muốn làm gì, trước phải họp bàn để lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp, xây dựng từ người dân. Sau đó cần tổ chức thực hiện mô hình thí điểm, để người dân thấy rõ được lợi ích và tính đúng đắn trong các chủ trương của tỉnh. Đặc biệt trong quá trình triển khai phải luôn bảo đảm sự công khai, minh bạch, tuân thủ chủ trương “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Làm được như thế mới có sự đồng thuận, người dân sẽ tin tưởng, hồ hởi hưởng ứng làm theo. Nói cho cùng, xây dựng NTM cũng là để phục vụ nhân dân, đưa đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện.

Nhờ chủ trương đó, phong trào xây dựng NTM của Hà Nam được phát động sâu rộng, triển khai thực hiện sôi nổi ở nhiều nơi, tạo sự lôi cuốn và có sức lan tỏa rộng. Người dân đã thấy rõ hiệu quả và tính thiết thực của chương trình nên rất đồng tình hưởng ứng và tích cực góp của, góp công tham gia thực hiện; rõ nhất thông qua việc nhân dân đã hiến đến nay là hơn 200 ha đất, cùng với hàng triệu ngày công để làm giao thông và thuỷ lợi nội đồng.

Tỉnh Hà Nam cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách khá đồng bộ nhằm khuyến khích phong trào, hỗ trợ cho các địa phương trong tỉnh, đồng thời ưu tiên tối đa nguồn lực cho đầu tư xây dựng NTM. Tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp, mô hình liên kết trong sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cho các xã triển khai mua 26 máy gặt đập, 34 máy làm đất để thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện triển khai dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, chỉnh trang quy hoạch lại đồng ruộng, với tổng diện tích hơn 14 nghìn ha, hướng dẫn và hỗ trợ hơn ba nghìn hộ thực hiện chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, 276 hộ triển khai trồng nấm ăn, với tổng sản lượng nấm sản xuất năm 2013 toàn tỉnh đạt 250 tấn (tương đương 21 tỷ đồng)…

Đặc biệt, việc thực hiện các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nam, với  sự tham gia tích cực, có hiệu quả của ngân hàng, các doanh nghiệp và các hộ dân, đã tạo hiệu ứng tốt ổn định giá cả, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ví dụ, với mô hình “nhóm hộ” trong chăn nuôi, các doanh nghiệp sẽ cung cấp thức ăn, con giống đến tận các nhóm các hộ dân ở gần nhau, với giá của đại lý cấp 1, không mất phí trung gian, và cho trả chậm 30 ngày. Đến ngày thứ 31, khoản tiền này sẽ được ngân hàng làm khế ước cho vay và thanh  toán trực tiếp cho doanh nghiệp. Khâu hóc búa nhất là thuyết phục ngân hàng và doanh nghiệp chịu rủi ro khi triển khai mô hình này đã được giải quyết khi tỉnh đứng ra bảo lãnh, giúp tháo gỡ khó khăn lớn nhất của người nông dân là tiếp cận dịch vụ tín dụng.

Giờ đây người nghèo cũng được vay vốn để phát triển sản xuất với rất nhiều thuận lợi, có khả năng nhận được tiền vay ngay trong ngày, hay có hộ chăn nuôi được vay hơn 1 tỷ đồng, không hề mất “phụ phí”. Cùng với đó, việc tiếp cận con giống, thức ăn với giá rẻ, đã nâng cao lợi nhuận cho sản xuất chăn nuôi, giúp cải thiện đáng kể đời sống kinh tế của bà con. Chỉ trong 1 năm triển khai mô hình, 3 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã cung ứng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Nam 6.691 tấn thức ăn, Ngân hàng NNPTNT cho các hộ nông dân vay 2.300 tỷ đồng.

Nhờ sự quyết tâm vào cuộc của lãnh đạo, sự ủng hộ của nhân dân, chương trình xây dựng NTM của tỉnh Hà Nam đã đạt được nhiều thành quả tích cực. Quan trọng hơn, bài học thành công về xây dựng NTM ở Hà Nam còn cho thấy hiệu quả của chương trình đã tạo ra nền tảng tinh thần mới ở nông thôn, sự đồng lòng của người dân đã tạo ra sức mạnh to lớn, như Bác Hồ đã nói : “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.