Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng nông thôn mới: Đừng để “nước chảy chỗ trũng”

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề xuất không nên dùng ngân sách hạn hẹp để đầu tư cho những nơi đã đạt nông thôn mới, tránh trình trạng “nước chảy chỗ trũng”...

Chiều 23/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Nâng chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn

Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá cao tính cấp thiết phải ban hành chương trình nông thôn mới, bởi kết quả 10 năm qua cho thấy đã làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, đặc biệt là hỗ trợ lao động nông thôn có công ăn việc làm. Việc ban thành chương trình nông thôn mới giai đoạn tiếp theo là hết sức cần thiết, trong đó cần điều chỉnh các bất cập trong giai đoạn qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm đến nông dân ở khu vực nông thôn để họ ổn định cuộc sống trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19

"Nếu chúng ta không quan tâm đúng mức đến vấn đề nông dân, nông thôn thì sẽ tạo ra những bất ổn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 cùng những tác động của thiên tai, bão lũ tác động đến cuộc sống của người dân nông thôn, vì thế Chính phủ cần quan tâm để giúp họ sớm phục hồi sản xuất” - đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, bên cạnh đó, cần thúc đẩy nguồn vốn để chương trình được thực hiện, bởi hiện nay Chính phủ có rất nhiều chương trình, nhiều công việc phải làm. Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến nông dân ở khu vực nông thôn để họ ổn định cuộc sống trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, xây dựng các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới bảo đảm phù hợp với từng địa phương, chú trọng đến chất lượng hơn là tăng quy mô số lượng. Cùng với đó, cần chú trọng đến vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn, đặc biệt là sử dụng hiệu quả các dự án đầu tư tại khu vực nông thôn.

Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp cho người dân nông thôn. Nếu không có nguồn nhân lực tốt, chất lượng lao động tốt thì các dự án đầu tư cũng khó có thể hiệu quả được.

“Nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, cần sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Vì thế, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới cần sớm được phê duyệt và ưu tiên hơn nữa để tác động thực sự đến khu vực này” - đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu quan điểm.

Tránh trình trạng “nước chảy chỗ trũng”

Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai tán thành với các đánh giá của Chính phủ về Chương trình nông thôn mới đã tạo nên diện mạo, bộ mặt của nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó phải kể đến là việc phân bổ, giao kế hoạch vốn của chương trình còn chậm, nguyên nhân xuất phát từ việc giao kế hoạch đến tổ chức thực hiện còn chậm; nhiều dự án thành phần thực hiện chưa được như mong muốn. 

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai tán thành với các đánh giá của Chính phủ về Chương trình nông thôn mới đã tạo nên diện mạo, bộ mặt của nông thôn

Việc phân bổ vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia phải theo quy định của Luật Đầu tư công. Cùng với đó, việc bố trí vốn đối ứng còn chậm, việc phê duyệt quyết định đầu tư đôi khi chưa bảo đảm đúng quy trình. Nhiều nơi được công nhận là huyện nông thôn mới nhưng tài sản của người dân chẳng có gì ngoài các đồ dùng thiết yếu hằng ngày, không có tài sản đáng giá. Điều đáng nói ở đây là nhiều nơi chạy theo thành tích trong phát triển nông thôn mới, nên hiệu quả chưa thực chất và bền vững.

“Kiến nghị cụ thể của Chính phủ đề nghị phân bổ 5.990 tỷ đồng cho các xã nông thôn mới thành nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, chúng ta cần xét đến tổng thể vì nhiều nơi còn chưa đạt được nông thôn mới, không nên dùng ngân sách hạn hẹp đấy để đầu tư cho những nơi đã đạt nông thôn mới, tránh trình trạng “nước chảy chỗ trũng”, mà cần cân đối nguồn đầu tư cho những vùng nông thôn đang gặp nhiều khó khăn. Đối với những nơi có điều kiện, nguồn lực như Hà Nội thì mới đầu tư cho nông thôn mới nâng cao” - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề xuất.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, nhiều nơi đã hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, nhưng cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Quốc hội khóa trước đã thảo luận rất nhiều về việc con em ở nông thôn bị đuối nước, vì thế, việc xây dựng bể bơi ở các khu vực dân cư nông thôn là rất cần thiết.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh, việc quy hoạch nông thôn mới gắn với quy hoạch mục tiêu, tầm nhìn của các địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, để bảo đảm mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững.