Kinh nghiệm từ thế giới
TOD (Transit Oriented Development) là giải pháp phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (GTCC), trong đó lấy đầu mối giao thông đường sắt đô thị (ĐSĐT) làm trục xương sống căn cứ để thực hiện lập quy hoạch. Đây là cách thực hiện khác so với hiện nay là đô thị đi trước, phát triển theo kiểu vết dầu loang, dàn trải, hết đất lại mở rộng đô thị.
Theo nghiên cứu từ các nước trên thế giới, TOD có 3 cấp độ gồm: cấp vùng, cấp đô thị và cấp điểm.
Trong đó, TOD cấp vùng là các trung tâm đô thị chính phục vụ các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa của vùng với các đặc trưng cơ bản là đô thị nén mật độ cao nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại và giải trí.
Khu vực này bố trí GTCC sức chứa lớn đa phương thức, phục vụ được tất cả các hoạt động, ví dụ vận tải đường sắt liên tỉnh, xe khách đường dài, xe buýt nội đô, ĐSĐT. Mật độ sử dụng đất khu vực này tập trung cao trong bán kính 500-1000m từ ga đường sắt.
TOD cấp đô thị là tổ hợp sử dụng đất phục vụ các công trình nhà ở, văn phòng và giải trí, thường có mật độ tập trung hơi thấp hơn so với mật độ sử dụng đất của TOD cấp vùng. Đây thường là điểm đến của các cư dân từ những vùng ngoại ô hoặc lân cận. Các trung tâm này hoạt động như hub (đầu mối giao thông) của các tuyến đường dài hoặc tuyến trục chính của vùng.
TOD cấp đô thị được phục vụ bởi nhiều phương thức GTCC sức chứa lớn, thường có đường sắt và các tuyến buýt cấp vùng tần suất cao hoặc buýt nhanh (BRT) cũng như tuyến buýt trong thành phố.
TOD cấp điểm nhằm cải thiện điều kiện tiếp cận nhà ga (đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô, xe buýt) đồng thời khuyến khích phát triển đô thị gắn kết. Theo đó, khi người sử dụng ĐSĐT tiếp cận nhà ga bằng các phương thức vận tải khác nhau thì cần có các công trình trung chuyển liên phương thức thuận tiện.
Việc tập trung số lượng lớn người ở nhà ga ĐSĐT và khu vực xung quanh cũng là cơ hội để thực hiện phát triển dịch vụ đô thị. Khi hai yếu tố này được triển khai gắn kết thì sẽ tạo ra được hiệu ứng đồng bộ tại khu vực nhà ga, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thúc đẩy đi bộ
Để áp dụng mô hình TOD hiệu quả, có 5 nguyên tắc thực hiện quy hoạch để những người ở khoảng cách có thể đi bộ đến ga sẽ di chuyển bằng đường sắt.
Nguyên tắc đô thị nén là phát triển một đô thị có đầy đủ chức năng thiết yếu phục vụ hoạt động hàng ngày của người dân trong cự ly đi bộ ngắn và đi bằng đường sắt khi cần di chuyển xa hơn. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng sinh thái nhờ việc hạn chế sử dụng năng lượng.
Nguyên tắc bố trí hỗn hợp các chức năng sử dụng đất cho phép toàn bộ các dịch vụ đô thị như cửa hàng mua sắm, ăn uống, tập thể thao tập trung trong bán kính đi bộ tính từ nơi ở. Như vậy sẽ giảm được sự phụ thuộc vào xe ô tô, xe đạp, xe máy, khuyến khích sử dụng đường sắt.
Nguyên tắc thúc đẩy đi bộ là nền tảng đảm bảo khả năng tiếp cận và di chuyển bền vững trong đô thị. Thiết kế mạng lưới đường phải thuận lợi, an toàn, đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ người đi bộ khỏi dòng giao thông cơ giới và cung cấp các tiện ích dọc đường đi.
Nguyên tắc thiết kế phân lô đô thị với các lô đất nhỏ thể hiện đặc điểm của đô thị và khả năng có thể đi bộ trong khu vực. Lô đất càng nhỏ thì sẽ càng tạo ra nhiều con phố. Như vậy, để đến một địa điểm mong muốn sẽ cần phải đi ngang qua nhiều phố hơn. Nhưng các con phố đều hẹp nên dễ dàng đi sang đường, việc đi bộ ở những khu này khá thuận tiện.
Nguyên tắc bố trí các điểm gửi máy, xe đạp ở gần ga để khuyến khích người dân sử dụng đường sắt, và cấm để xe ở đường đi bộ. Việc thu hút hành khách đi xe đạp có thể làm tăng bán kính hấp dẫn của đô thị TOD lên gấp 2 - 3 lần.
Dựa trên thực trạng tại Thủ đô Hà Nội và những kinh nghiệm của các quốc gia đã áp dụng thành công mô hình TOD, Việt Nam nên nghiên cứu đưa ra các hành lang pháp lý để khai thác tối đa lợi thế từ mô hình TOD.