Ngày 5/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Gần 20 năm triển khai thực hiện, Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg đóng vai trò là “kim chỉ nam”, mở đường và định hình hướng phát triển của đảo Ngọc.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phú Quốc luôn ở mức cao, đạt gần 19,6%/năm, mang tính ổn định và bền vững; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại-dịch vụ, công nghiệp-xây dựng, giảm về nông nghiệp.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng cao qua các năm, đóng góp tỷ lệ lớn vào Ngân sách chung của tỉnh. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội liên tục tăng qua từng năm, riêng năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng, tăng gần 64 lần với năm 2004.
Về phát triển du lịch, từ huyện đảo ít người biết, năm 2004 thu hút chỉ có trên 130 ngàn lượt khách du lịch, thì đến cuối năm 2023, Phú Quốc đón khoảng 5,57 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 42,7 lần so với năm 2004;
Bên cạnh đó, đã khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới, nhiều sản phẩm du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế như: Hệ thống cáp treo tại Hòn Thơm, quần thể vui chơi giải trí GrandWorld, khu vui chơi giải trí Sun World Hon Thom Nature Park, khu vui chơi giải trí Vinwonder, khu vườn thú bán hoang dã Safari, JW Marriott Phú Quốc, Emerald Bay, Casino Phú Quốc.
Đặc biệt, năm 2014, Phú Quốc chính thức hòa mạng lưới điện quốc gia - sự kiện này giúp giảm đáng kể chi phí xây dựng, chi phí vận hành, chi phí sinh hoạt của người dân trên đảo. Đây cũng là năm Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đón chuyến bay đầu tiên, đưa du khách trong và ngoài nước đến với Phú Quốc.
Thông qua các hoạt động kêu gọi, xúc tiến đầu tư trong ngoài và nước, với những cơ chế thông thoáng, ưu đãi hấp dẫn, tình hình thu hút đầu tư vào Phú Quốc đã có bước phát triển đột phá, nhiều tập đoàn kinh tế lớn quan tâm tìm hiểu và triển khai đầu tư dự án tại Phú Quốc, nhiều doanh nghiệp được thành lập. Đến năm 2023 Phú Quốc đã có 4.404 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đầu tư trên 142 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 17 lần về số lượng và tăng hơn 383 lần số vốn đăng ký so với năm 2004.
Ông Lâm Minh Thành – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Tập trung xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới”.
Ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang khẳng định, những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của Kiên Giang và Phú Quốc trong gần 20 năm đầu tư, phát triển, càng cho thấy vai trò hết sức quan trọng từ kinh tế biển. Sự phát triển của Phú Quốc không những đã góp phần cho Kiên Giang phát triển, mà đã lan tỏa và thúc đẩy cho phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, nhất là trong lĩnh vực du lịch.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan xây dựng Đề án mới về phát triển Phú Quốc. Định hướng đưa Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững hơn trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy nội lực, con người Phú Quốc và Kiên Giang.