Xây dựng Thủ đô thành Trung tâm giáo dục, đào tạo có uy tín ở khu vực và thế giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự thảo Luật Thủ đô đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của đông đảo tầng lớp nhân dân. Qua nghiên cứu dự thảo này, cá nhân tôi muốn góp ý thêm một số nội dung của Dự thảo Luật Thủ đô liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

 Trong Dự thảo Luật Thủ đô, Khoản 1, điều 14 chủ trương: "Xây dựng Thủ đô thành trung tâm giáo dục, đào tạo hàng đầu của cả nước, có uy tín ở khu vực và thế giới". Thực ra, từ lâu, trong các văn bản, nghị quyết cũng như trong nhận thức của nhân dân cả nước, thủ đô Hà Nội đã là trung tâm giáo dục, đào tạo hàng đầu của cả nước, vì thế, không nhất thiết phải dùng cụm từ "xây dựng". Nếu dùng như hiện tại thì về mặt lôgic, Thủ đô chưa trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo hàng đầu của cả nước. Khoản 1, điều 14 nên sửa thành: "Xây dựng Thủ đô thành Trung tâm giáo dục, đào tạo có uy tín ở khu vực và thế giới". Cũng trong khoản 1, điều 14, cần thiết phải đưa ra lộ trình cụ thể về chiến lược xây dựng Thủ đô thành Trung tâm giáo dục, đào tạo có uy tín ở khu vực và thế giới.

Khoản 2, điều 14 chủ trương: "… quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng nghề trên địa bàn Thủ đô, theo hướng ưu tiên tập trung đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước". Ở khoản này, cụm từ "ưu tiên tập trung" chưa thực sự hợp lý. Thực ra, "ưu tiên" và "tập trung" trong hoàn cảnh này cũng gần tương đồng về nghĩa. Ưu tiên thì sẽ có trọng tâm, trọng điểm; tập trung cũng có trọng tâm, trọng điểm. Trong khi mục đích của các cơ quan chức năng còn là "ưu đãi" hay "ưu ái" đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao... thì điều này chưa được thể hiện rõ. Đành rằng, "ưu tiên" cũng gần nghĩa với "ưu đãi" hay "ưu ái", tuy nhiên, trong văn bản lại để cụm từ "ưu tiên tập trung", chứ không phải là "ưu tiên và tập trung". Để như Dự thảo Luật sẽ khiến người đọc hiểu là việc ưu tiên ở đây chỉ là ưu tiên tập trung chứ không có sự ưu tiên nào khác nữa.

Do đó, khoản 2, điều 14 nên sửa lại là: "… quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng nghề trên địa bàn Thủ đô, theo hướng ưu đãi và tập trung đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước".

 Mục a, khoản 3, điều 14 quy định: "Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm: Ban hành chính sách về cơ sở vật chất, cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thực hiện chương trình chất lượng cao thuộc thẩm quyền quản lý".

Mục này quy định chưa rõ ràng, đồng bộ, bởi trong một cơ sở giáo dục, bên cạnh cơ sở vật chất, yếu tố tài chính, quan trọng hơn cả là yếu tố nguồn nhân lực (con người)... Các yếu tố cấu thành một cơ sở giáo dục có mối quan hệ tất yếu khách quan và phù hợp với nhau. Dự thảo Luật chưa đề cập hay nhấn mạnh đến yếu tố con người. Đành rằng, Dự thảo Luật đã phân chia trách nhiệm cho từng cơ quan phụ trách một mảng công việc. Tuy nhiên, sự phân chia này chỉ mang tính tương đối, vì trong quá trình tiến hành nhiệm vụ của mình, tất cả các cơ quan chức năng vẫn phải liên hệ chặt chẽ với nhau.

Do vậy, mục a, khoản 3, điều 14 nên được sửa lại cụ thể hơn như sau: "Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm: Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để ban hành chính sách về cơ sở vật chất, cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực của từng hệ giáo dục; thực hiện chương trình chất lượng cao thuộc thẩm quyền quản lý".

 Khoản 1, điều 15 chủ trương: "Xây dựng Thủ đô thành trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước...". Khoản này cũng cần xem xét lại. Cũng như khoản 1, điều 14, về mặt lôgic hình thức, người đọc sẽ dễ dàng suy ra: Thủ đô chưa trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước. Theo cách đặt vấn đề từ khoản 1, điều 14 và để hợp lý hóa khoản 2, điều 15, thì khoản 1, điều 15 nên được sửa lại: "Xây dựng Thủ đô thành trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ có uy tín ở khu vực và thế giới... ".

Khoản 1, điều 16 chủ trương: "Bảo tồn, phát triển văn hoá Thủ đô tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại".  Cùng với việc "bảo tồn" và "phát triển" nên có chủ trương "loại bỏ" hay "xóa bỏ" các yếu tố văn hóa lạc hậu (hủ tục) cũng như các yếu tố văn hóa không còn phù hợp với truyền thống của đất nước nói chung, Thủ đô nói riêng trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.

Do vậy, khoản 1, điều 16 nên sửa lại là: "Bảo tồn, phát triển văn hoá Thủ đô tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và của dân tộc; xóa bỏ các yếu tố văn hóa không còn phù hợp với sự phát triển của cả nước nói chung, Thủ đô nói riêng; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại".