Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng thương hiệu dựa trên các giá trị cốt lõi của sản phẩm

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, số lượng nông sản được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam và nước ngoài còn khá khiêm tốn so với tiềm năng.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa cho rằng, không thể xem nhẹ việc đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản bởi điều này không chỉ làm lợi cho nông dân, DN mà còn góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu nông sản Việt trên trường quốc tế.

Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa.
Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa.

Bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt

Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc đăng ký và bảo hộ thương hiệu nông sản?

- Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nông nghiệp nói chung và nỗ lực đưa nông sản Việt ra thị trường quốc tế nói riêng, nông sản Việt đối diện với rất nhiều thách thức. Việc này không chỉ đến từ khâu chất lượng sản phẩm, từ thị trường, từ sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng mà còn đến từ năng lực tiếp cận thị trường thông qua thương hiệu sản phẩm.

Thời gian qua có rất nhiều DN hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tuy nhiên, một số DN chưa chú trọng đến việc gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa nên đã xảy ra tình trạng trùng nhãn hiệu hoặc lợi dụng các nhãn hiệu uy tín để thu lợi bất chính.

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không chỉ bảo vệ DN mà còn mang đến rất nhiều lợi ích khác, bảo đảm quyền lợi của DN trong hoạt động lưu thông, chào bán, xuất khẩu hàng hóa nông sản. Thậm chí, một nhãn hiệu được bảo hộ có uy tín đối với người tiêu dùng có thể được sử dụng để huy động vốn từ các tổ chức tài chính ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Nói rộng ra, vấn đề sở hữu trí tuệ và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng là những nội dung quy định trong một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nói riêng là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu.

Ông có thể nói rõ hơn về những lợi ích khi đăng ký bảo hộ nông sản tại nước ngoài?

- Những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đã từng bước chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Thành công nhất phải kể đến là chúng ta đã đăng ký chỉ dẫn địa lý vải Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận tại thị trường Nhật Bản năm 2021.

Đến nay cả hai sản phẩm này đều đạt giá trị, sản lượng xuất khẩu cao, khẳng định thương hiệu tại thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Câu chuyện nông sản của Việt Nam được đăng ký bảo hộ ở các quốc gia khác được đề cập rất nhiều.

Trước hết, cần phải hiểu bảo hộ ở nước ngoài là tiến hành thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hoặc đối với chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Nhãn hiệu thứ nhất là được bảo hộ ở thị trường và thứ hai là chống lại những hành vi xâm phạm quyền hoặc là hành vi ăn cắp thương hiệu của những cái đối tác khác.

DN Việt Nam bắt buộc phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với hàng hóa của mình ở nước ngoài, bởi nếu không đăng ký kịp thời, thì ngay lập tức sẽ có DN nước ngoài khác đăng ký.

Khi đó, người ta có quyền yêu cầu các cơ quan hải quan ngừng các thủ tục thông quan nhập khẩu đối với hàng hóa đó và chính hàng hóa của DN Việt Nam là hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ. Đấy là một điều rất nguy hiểm.

Rõ ràng việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài mang lại những thuận lợi nhất định, song số lượng nông sản của Việt Nam đã được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài rất hạn chế? Theo ông đâu là nguyên nhân?

- Việt Nam bước từ một nền nông nghiệp tự phát lên một nền nông nghiệp hàng hóa nên không tránh khỏi tư tưởng của người sản xuất e ngại bỏ ra chi phí cũng như chưa có thói quen về thương hiệu cũng như bảo hộ thương hiệu sản phẩm của mình.

Đáng nói, phần lớn các DN cũng chưa có một chiến lược cụ thể cho việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài. Thường thì DN nhắm vào thị trường xuất khẩu nào, xuất khẩu hàng hóa vào một thị trường nào rồi, xong mới tính đến việc đăng ký nhãn hiệu.

Mặt khác, chi phí đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài tương đối lớn, thường thì các DN Việt Nam phải trả luật sư ở nước sở tại và chi phí cho cơ quan sở hữu trí tuệ thẩm định với mức chi phí khá cao. Ví dụ, chi phí đăng ký ở Mỹ, Nhật Bản tương đối lớn khoảng 3.000 - 4.000 USD/1 nhãn hiệu, còn đăng ký chi phí chỉ dẫn địa lý tốn kém hơn rất nhiều.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách

Quay lại thị trường trong nước, ông có thể chỉ ra một số vấn đề tồn tại của việc đăng ký và bảo hộ thương hiệu nông sản tại Việt Nam hiện nay?

- Thẳng thắn mà nói, hiện chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể; sự phối hợp giữa Bộ KH&CN, Bộ NN& PTNT và Bộ Công Thương chưa chặt chẽ và liên tục.

Một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể chưa phát huy được vai trò là chủ sở hữu do không có chức năng kinh doanh, chủ yếu là cơ quan Nhà nước (Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, UBND cấp huyện); chưa có sự tách biệt giữa quản lý Nhà nước và mối quan hệ dân sự theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Do đó, Nhà nước cần hoàn thiện những quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Cùng với đó, cần nâng cao vai trò của quản lý Nhà nước về kiểm soát sử dụng nhãn hiệu trên thị trường.

Ở địa phương, thiếu khảo sát xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Điều này dẫn đến lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp thực tiễn và nhu cầu thị trường. Việc bảo hộ sản phẩm không phải là sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, giá trị gia tăng thấp.

Bên cạnh đó, lựa chọn sai hình thức bảo hộ; quy mô sản xuất nhỏ; tập trung chính vào khâu đăng ký. Sau bảo hộ, sản phẩm gặp khó khăn trong quảng bá và tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn và nâng cao giá trị.

Ông có khuyến nghị giải pháp gì với các địa phương, DN xuất khẩu nông sản Việt Nam?

- Theo tôi, ngân sách địa phương cũng nên dành ra một phần để hỗ trợ người nông dân, DN trong việc bảo hộ nông sản. Mặt khác, các địa phương cần trực tiếp liên hệ Tham tán thương mại ở nước ngoài để hỗ trợ hiệp hội, DN trong việc tìm kiếm các công ty luật phù hợp ở nước sở tại với mức chi phí hợp lý.

Đối với DN, nên xây dựng và phát triển thương hiệu dựa trên các giá trị cốt lõi của sản phẩm. Đó là chất lượng đặc thù, giá trị khác biệt, uy tín, độ an toàn của sản phẩm. Cần thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để đưa sản phẩm cuối cùng ra đến thị trường.

Khi bán sản phẩm cần gắn nhãn mác hay thương hiệu sản phẩm địa phương, vùng miền và quốc gia (không bán hàng thô, hàng nguyên liệu); đồng thời tăng cường đa dạng hóa sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Một giải pháp quan trọng nữa là trong bối cảnh xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh với con số đạt trên 50 tỷ USD, việc cần thiết có thêm thành tố tham gia cùng người nông dân, DN trong bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam ra trường quốc tế. Để khi bất cứ một tranh chấp quốc tế nào xảy ra, đây sẽ là các thiết chế đại diện cho người nông dân, DN. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị một năng lực pháp lý bài bản nhằm giảm thiểu rủi ro xung đột về mặt thương mại.

 

Việc bảo hộ nhãn hiệu cho một sản phẩm nông sản là rất cần thiết và cấp bách. Điều này nhằm ngăn chặn những sản phẩm tương tự ngụy tạo làm mất uy tín thương hiệu vốn có từ lâu, đồng thời tạo điều kiện để thương hiệu nông sản đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. Việc này không chỉ một mình ngành nông nghiệp có thể làm được mà cần sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, DN và chính nhận thức của người nông dân.

Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa