Xây dựng thương hiệu sản phẩm rau quả Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rau quả là một trong những sản phẩm nông sản được đánh giá là có lợi thế XK của Việt Nam. Thế nhưng do khó khăn về nguồn cung nên một số DN đã lỡ dịp ký hợp đồng lớn.

Nguồn cung thiếu ổn định

5 năm qua, kim ngạch XK rau quả tăng trưởng ở mức cao, bình quân 25%/năm, từ 439 triệu USD năm 2009 tăng lên 1,1 tỷ USD năm 2013. Trong 5 tháng đầu năm 2014, XK rau quả đạt 472 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ. Rau quả của Việt Nam hiện được xuất đi trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 10 thị trường lớn nhất là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.

Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, sở dĩ XK rau quả có mức tăng trưởng tốt là do sự nỗ lực vươn lên của DN cùng với sự đồng hành của các bộ, ngành trong việc tạo hành lang pháp lý, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ rau quả. Hơn thế, gần đây, một số thị trường lớn tiêu thụ rau quả như Nhật Bản, Hàn Quốc… càng quan tâm nhiều hơn đến nguồn cung rau quả từ Việt Nam đặc biệt là những sản phẩm đậu tương non, ngô ngọt, rau chân vịt… Do vậy, các DN hội viên đang liên kết để phát triển những sản phẩm này tại Ninh Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Giang.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm rau quả Việt Nam - Ảnh 1
Tuy nhiên, XK rau quả cũng phải đương đầu với không ít khó khăn. Cụ thể, rau quả mặc dù sản xuất nhiều nhưng còn thiếu tính liên kết, nguồn cung cấp thiếu ổn định, phần lớn nguồn nguyên liệu phi tập trung, giống lạc hậu, năng suất thấp, chất lượng không đồng đều. Một số DN đã từng đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài cho biết, khi đi tham dự các hội chợ quốc tế khách hàng đề nghị ký đơn hàng dài hạn lên đến hàng trăm container nhưng DN không dám ký bởi không có nguồn hàng.

Thêm vào đó, vấn đề quy hoạch của một số loại sản phẩm đang bị phá vỡ. Ví dụ như cây thanh long tăng lên theo từng ngày do thu nhập bình quân của người trồng thanh long cao hơn so với các cây khác. Hoặc như ở Đà Lạt, Lâm Đồng, một số sản phẩm như bí, bắp cải, cà chua được trồng ồ ạt khi đối tác Trung Quốc, Đài Loan không mua nên có thời điểm phải đổ bỏ. Một khó khăn nữa được ông Hương nêu ra là, phía nhà NK như Mỹ, EU muốn bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo hộ thị trường trong nước liên tiếp đưa ra yêu cầu, hàng rào kỹ thuật khắt khe mà ít DN đáp ứng được.

Xây dựng thương hiệu

Năm 2014 được đánh giá là năm vẫn có nhiều thuận lợi đối với sản phẩm rau quả Việt Nam với nhiều đơn đặt hàng hơn, giá XK cao hơn. Ví von một cách hình ảnh “sáng tươi, chiều héo, tối bỏ đi” đối với sản phẩm rau quả, ông Đinh Văn Hương cho rằng, các cơ quan quản lý cần có chính sách hỗ trợ hoặc tìm giải pháp mới cho ngành này bởi sản phẩm rau quả đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường.

Trong số các mặt hàng rau quả XK của Việt Nam thì thanh long có sản lượng và giá trị XK lớn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2013 kim ngạch XK thanh long tươi đạt hơn 203 triệu USD, chiếm khoảng 25% giá trị trái cây XK dạng tươi, khô và đông lạnh và tương đương với hơn 61% giá trị trái cây tươi XK. Tuy nhiên đây cũng là mặt hàng gặp nhiều rào cản kỹ thuật từ các nước như phía Mỹ yêu cầu kiểm dịch qua chiếu xạ, Nhật Bản yêu cầu kiểm dịch bằng hơi nước nóng... Do vậy, Hiệp hội kiến nghị, Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng đề án nhằm quảng bá thương hiệu đối với thanh long tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… để đẩy mạnh XK vào những thị trường này.

Ông Hương kiến nghị thêm, Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh nhanh quá trình đàm phán các thỏa thuận chung liên quan đến Quy trình đánh giá rủi ro NK đối với hoa quả tươi của Việt Nam để tạo cơ hội XK các loại trái cây của Việt Nam vào các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản (xoài, măng cụt, sầu riêng), vào New Zealand (chôm chôm, nhãn, vú sữa), Mỹ (xoài, vải, vú sữa, nhãn)… Đối với khó khăn về nguồn cung hàng hóa, các bộ, ngành tạo điều kiện sản xuất rau quả tập trung, thành lập các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo phương pháp nông nghiệp tạo nguồn cung cấp lớn, ổn định, áp dụng các biện pháp kiểm soát bảo vệ thực vật.