Gặp gỡ các chủ sản xuất và doanh nghiệp (DN), Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo hoan nghênh các đơn vị, liên kết với các làng nghề khác ở Bát Tràng, Phú Xuyên… tạo chuỗi sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khách hàng như mẫu mã, chất liệu, duy trì xuất khẩu tăng là năng động, sáng tạo. Đồng chí cũng lưu ý các đơn vị, cần năng động, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm phục vụ các khách sạn, nhà hàng quốc tế và nhu cầu trong nước cũng là thị trường không nhỏ.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cùng đoàn công tác làm việc tại huyện Thường Tín, Hà Nội.
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Tô Văn Cường cho biết, thực hiện Chương trình 03/TU, đến nay huyện đã thực hiện được 17/20 chương trình nhánh, đề án. Trong đó, có 7 đề án quy hoạch quan trọng, như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông…
Ngoài ra, còn Đề án sản xuất 153ha rau an toàn; Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp giai đoạn 2011-2015 để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI)… tạo điều kiện tốt cho DN hoạt động…
Tuy nhiên, để chương trình hiệu quả hơn, huyện đề nghị TP quan tâm sớm phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của cụm công nghiệp làng nghề xã Văn Tự; hỗ trợ kinh phí xây dựng các trạm xử lý chất thải, nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp, hỗ trợ kinh phí cho xây dựng khu trưng bày, quảng bá sản phẩm cho làng nghề nhằm thu hút khách đến thăm quan gắn với xây dựng phát triển làng nghề.
Bên cạnh đó, huyện đề nghị TP và Bộ GTVT đầu tư xây dựng đường xuống từ quốc lộ 1B về khu vực cụm công nghiệp làng nghề Duyên Thái; thực hiện đường gom phía đông Pháp Vân – Cầu Giẽ chạy qua huyện; tiếp tục hỗ trợ vốn để hoàn thành đang thi công dở, như: Dự án Cầu Đen (Khánh Hà), đường Vân Tảo – Ninh Sở, kinh phí theo đề án xây dựng nông thôn mới của các xã đã được phê duyệt, nâng mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi theo Quyết định 16 của TP…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, Chương trình 03/TU có ý nghĩa quan trọng, là chiến lược phát triển kinh tế 5 năm của Thủ đô. Nhằm tận dụng nguồn lực và nền tảng khoa học kỹ thuật, đội ngũ trí thức cao của Thủ đô để ứng dụng khoa học – kỹ thuật, công nghệ vào phục vụ sản xuất.
Theo Chủ tịch, thời gian tới, huyện cần tập trung vào đầu tư phát triển nguồn nhân lực; công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp sinh thái, để tạo vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng đầu tư hạ tầng của các làng nghề; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2013. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư vào lĩnh vực quy hoạch, giao thông, môi trường, quản lý các di sản văn hóa, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm năm kỷ cương hành chính… Giao các sở, ngành phối hợp với huyện thực hiện mục tiêu trên. Trong đó, Sở Kế hoạch Đầu tư, Tài chính cân đối lại chương trình đầu tư cơ bản, rà soát, xem xét công trình nào ưu tiên, yêu cầu cấp bách đề xuất để TP điều chỉnh nguồn vốn. Sở NN & PTNT rà soát, cân đối, bố trí thêm nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; Sở GTVT, Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu đường giao thông hợp lý cho các làng nghề thuận tiện trong vận chuyển hàng hóa…., để huyện có điều kiện thuận lợi phát triển, Chủ tịch nhấn mạnh.
6 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của huyện Thường Tín ước đạt 1.424,8 tỷ đồng, tăng 7,1%; xuất khẩu ước đạt 239,5 tỷ đồng, tăng 7,1%; Tổng giá trị thương mại-dịch vụ ước đạt 846,7 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2012; năng suất lúa xuân đạt 64,1 tạ/ha.... |