Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành, kết nối và phục vụ người dân. Trước thực trạng này, một số địa phương đã đề xuất xây mới trụ sở, tuy nhiên, việc triển khai thế nào cũng cần “liệu cơm, gắp mắm”, tính toán cho phù hợp, hiệu quả.
Một chốn, bốn nơi
Tại huyện Gia Lâm, trụ sở làm việc của Huyện ủy – HĐND – UBND và các phòng, ban, ngành của huyện hiện nay phân tán tại 5 địa điểm khác nhau trên địa bàn. Các khối nhà làm việc xây dựng đã lâu, diện tích phòng nhỏ hẹp, không phù hợp với tiêu chuẩn quy định, nhiều hạng mục xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu sử dụng. Chủ tịch UBND huyện Lê Anh Quân cho biết, với nhiều “mối” như vậy, nên công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gặp khó khăn, nhất là những thủ tục hành chính phải thực hiện liên thông, riêng việc “chạy đi, chạy lại” giữa nơi này đến nơi kia cũng đã mất khá nhiều thời gian. Chưa kể đến công tác bảo vệ, chỗ nào cũng phải bố trí người chốt gây lãng phí về nhân lực.
Diện tích các phòng, ban tại trụ sở UBND phường Văn Chương chỉ có hơn hai mươi mét vuông. Ảnh: Việt Dũng |
Trên cơ sở đó, huyện Gia Lâm đề nghị TP cho xây mới trụ sở theo hai hướng: Thứ nhất là đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) hoặc PPP (đối tác công tư); Thứ hai là cho phép UBND huyện ứng vốn để đầu tư xây mới và hoàn trả bằng tiền đấu giá các khu đất trụ sở cũ. Trường hợp nguồn thu thực tế từ đấu giá sẽ điều tiết theo cơ chế hiện hành của TP; còn nếu thu chưa đủ, UBND huyện có trách nhiệm cân đối bằng nguồn vốn ngân sách huyện.
Tại các huyện Quốc Oai, Đan Phượng, đề nghị xây mới trụ sở cũng đã được chuyển tới lãnh đạo TP vì các khu nhà đã có “thâm niên” hàng chục năm, nhiều hạng mục xuống cấp, không đảm bảo công năng sử dụng. Trong khi kinh phí để duy tu, sửa chữa khá tốn kém và chắp vá. Không chỉ ở các huyện, việc xây mới trụ sở ở các quận, các phường cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về quỹ đất. Bởi tại đây toàn đất “vàng”, trong khi nhu cầu cho trường học, y tế và các thiết chế văn hóa lại ngày càng cao. Như trụ sở quận Đống Đa nhiều năm nay trong tình trạng “một chốn, bốn nơi”, rất khó khăn trong việc kết nối, giải quyết công việc. Có nơi như phường Văn Chương, diện tích chỉ hơn hai chục mét vuông, các phòng ban phải ngồi chen vào nhau để làm. Hay tại quận Bắc Từ Liêm, từ khi chia tách đến nay vẫn bố trí tạm ở khu tái định cư Kiều Mai, chưa có trụ sở mới.
Liệu cơm, gắp mắm
Với hiện trạng như vậy, rõ ràng việc xây mới là cần thiết, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư thế nào phải tính toán cho phù hợp, hiệu quả. Bởi lẽ, không phải địa phương nào cũng có nguồn lực hay giá trị đất cao như Gia Lâm, Quốc Oai để đấu giá. Để xây mới trụ sở cần đến số tiền lớn, trong khi còn không ít lĩnh vực như hạ tầng, an sinh xã hội đang “đói” vốn. Bên cạnh đó, với việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ như hiện nay, trụ sở không nhất thiết phải hoành tráng, nhất là cấp xã, phường. Bởi lẽ thay vì đến các cơ quan công quyền để làm thủ tục hành chính, người dân có thể ngồi ở nhà để thực hiện. Đây cũng chính là ý kiến của Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn khi quận Đống Đa đề cập đến việc xây dựng trụ sở mới cho phường Văn Chương. Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, cần tính toán cho phù hợp với thực tế, phần diện tích dành cho bộ phận “một cửa” có thể “co lại” mà đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, thiết bị hiện đại.
Không chỉ là bài toán về công năng sử dụng, có ý kiến đề nghị phải coi trọng cả thiết kế các công trình để đảm bảo tiện ích, tiết kiệm năng lượng nhất. Thay vì mỗi bộ phận, mỗi lãnh đạo một phòng, có những bộ phận có thể bố trí ngồi chung “một sàn”, để vừa tiết kiệm điện, vừa trao đổi công việc tốt hơn. Đó cũng là cách khá nhiều DN đang áp dụng. Hay việc xây dựng Trạm y tế chuẩn các phường tại các quận trung tâm cũng vậy, phải cân nhắc cho hiệu quả. Như tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, trên địa bàn có rất nhiều bệnh viện T.Ư, TP thì nên tính toán xem có nên phát triển các Trung tâm y tế, Trạm y tế không và giải quyết gì cho người dân. Sẽ rất ít người vào đây khám, chữa bệnh mà sẽ lựa chọn vào các bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Xanh pôn, Thanh Nhàn… hiện đại, chất lượng hơn nhiều.
Trong điều kiện ngân sách TP năm 2017 bị cắt giảm để điều tiết về T.Ư, yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” càng cao, vì thế việc đầu tư trụ sở thế nào cho phù hợp, hiệu quả lại càng cần thiết hơn lúc nào hết. Có như vậy, TP mới đủ nguồn lực dành cho các mục tiêu ưu tiên, cấp thiết hơn.