Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam: cần khung pháp lý cho “phép thử” các mô hình tài chính số

Kinhtedothi- Để xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam, các chuyên gia kiến nghị xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng, minh bạch và có sự cạnh tranh cao để thu hút nguồn lực tài chính toàn cầu. Trong đó, Việt Nam cần thử nghiệm các mô hình tài chính số như fintech, blockchain, và xây khung pháp lý minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Xây dựng khung pháp lý là yếu tố then chốt

Tại sự kiện "Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính" do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội, hơn 100 đại biểu là lãnh đạo bộ, ngành, chuyên gia trong nước và quốc tế, tổ chức tài chính đã chia sẻ những góc nhìn thực tiễn và khuyến nghị thiết thực cho Việt Nam trong hành trình xây dựng trung tâm tài chính.

Theo các chuyên gia, xây dựng hành lang pháp lý là yếu tố then chốt trong thành lập trung tâm tài chính tại Việt Nam

Phát biểu tại sự kiện, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thuý Sen cho biết, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế. Mục tiêu là khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải thiện năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trung tâm tài chính quốc tế ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ là nguồn thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, kết nối Việt Nam với thị trường tài chính toàn cầu, tăng uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ vẫn phải được đặt ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong quá trình hoàn thiện hạ tầng, chính sách.

Các ý kiến tại hội thảo đều nhấn mạnh, xây dựng hành lang pháp lý là yếu tố then chốt trong thành lập trung tâm tài chính tại Việt Nam. Trong đó, TS. Lê Thị Thuỳ Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính đề xuất Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý minh bạch, tiên tiến và linh hoạt như Singapore. Một trong những gợi ý đáng chú ý là thực hiện cơ chế sandbox pháp lý, cho phép thử nghiệm các mô hình tài chính số mới với quy trình cấp phép nhanh, có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư và tăng cường giám sát rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.

Các chuyên gia cũng kiến nghị xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng, minh bạch và có sự cạnh tranh cao để thu hút nguồn lực tài chính toàn cầu. Trong đó, Việt Nam cần thử nghiệm các mô hình fintech, giao dịch blockchain, giao dịch tự động, giao dịch tài sản ảo... dưới hình thức kiểm soát theo giai đoạn, kết hợp học hỏi kinh nghiệm của các trung tâm tài chính thành công trên thế giới.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và dữ liệu số là yếu tố quyết định, Việt Nam không thể xây dựng trung tâm tài chính theo cách truyền thống, mà cần chụ động lựa chọn mô hình đột phá, ứng dựa trên hạ tầng số và đầu tư cho khung pháp lý linh hoạt, mở đường cho thử nghiệm, đồng thời tăng sự minh bạch và an toàn cho nhà đầu tư.

Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thúy Sen cho biết, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khu vực đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế của Việt Nam

Khẩn trương áp dụng các chuẩn mực tài chính toàn cầu

Chia sẻ từ kinh nghiệm quốc tế, ông Richard D. McClellan - Cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư cho biết, để trở thành một trung tâm tài chính hiện đại và cạnh tranh, không chỉ cần thiết lập mà còn phải xây dựng dựa trên những đặc điểm chung của các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.

Điều này bao gồm: tính lưu động vốn cao, cho phép tự do hồi hương lợi nhuận; khả năng tiếp cận ngoại hối và hoạt động đa tiền tệ; mở cửa tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sở hữu và hoạt động của các công ty toàn cầu, đặc biệt là FDI. Sự ổn định và khả năng dự đoán pháp lý, thông qua thực thi hợp đồng, trọng tài quốc tế và tuân thủ luật chung, là yếu tố then chốt tạo dựng niềm tin.

Bên cạnh đó, việc áp dụng chuẩn mực kế toán toàn cầu (IFRS) và xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính vững chắc (sàn giao dịch, trung tâm thanh toán bù trừ, cơ quan tín dụng) là bắt buộc.

Ngoài ra, các chuyên gia nước ngoài cho biết thêm, một yếu tố rất quan trọng trong xây dựng trung tâm tài chính là hạ tầng mềm bao gồm việc thu hút và giữ chân nhân tài thông qua phong cách sống hấp dẫn, an toàn, và hệ thống giáo dục chất lượng. Để đạt được điều này, cần có chính sách bổ sung, hài hòa với hiện tại, tăng cường truyền thông đến nhà đầu tư quốc tế và phân định rõ ràng giữa hoạt động trong và ngoài trung tâm tài chính.

Tư vấn kiến thức quản lý tài chính thông minh trong gia đình

Tư vấn kiến thức quản lý tài chính thông minh trong gia đình

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ