Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

70 năm giải phóng Ứng Hòa và chiến thắng Khu Cháy (25/7/1954 – 25/7/2024)

Xây dựng Ứng Hòa ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Ứng Hòa (Hà Nội) vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh ba lần về thăm. Những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Người trở thành nguồn động viên to lớn để Đảng bộ và Nhân dân huyện Ứng Hòa ra sức thi đua học tập, làm theo lời Bác.

Ra sức học và làm theo lời Bác

Ngày 7/6/1960, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với Đại hội sản xuất vụ Mùa của tỉnh Hà Đông và Đại hội đoàn kết chống hạn hai huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức. Lần thứ hai, ngày 30/1/1963, Bác Hồ về Ứng Hòa để xem xét tình hình chống hạn của tỉnh Hà Đông. Sau đó, lãnh đạo tỉnh đưa Bác về xã Quảng Phú Cầu thăm công nhân đang bơm nước chống hạn.

Lần thứ ba, ngày 20/4/1963, Bác Hồ về thăm Bệnh xá Vân Đình, cùng đi với Bác có Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch. Bác thăm từ phòng khám bệnh, phòng điều trị bệnh nhân, phòng sản đến vườn trồng cây thuốc, khu nhà bếp, các công trình vệ sinh và ân cần hỏi thăm những người đến chữa bệnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền trao Bằng khen tặng các cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng nông thôn mới huyện Ứng Hòa. Ảnh: Phạm Hùng
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền trao Bằng khen tặng các cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng nông thôn mới huyện Ứng Hòa. Ảnh: Phạm Hùng

Bác căn dặn thầy thuốc, cán bộ, nhân viên bệnh xá: trong công tác phục vụ, cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần. Có thuốc hay thức ăn ngon nhưng còn phải có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt.

Qua thăm các phòng, Bác nói: “Các cô, các chú ở đây có cái bệnh là hay dùng từ nước ngoài”. Đến “Phòng dưỡng nhi”, Bác xua tay để mọi người im lặng, rồi nói: “Nên gọi là phòng nuôi trẻ mới đẻ”. Qua phòng mổ, thấy những tấm biển đề “Phòng tiểu phẫu”, “Phòng đại phẫu”, “Phòng hậu phẫu”, Bác đều góp ý sửa lại: “Phòng mổ nhỏ”, “Phòng mổ lớn”, “Phòng săn sóc sau khi mổ”...

Ngay cả từ “bệnh xá”, Bác bảo có vẻ còn mới lắm, nên gọi là “Nhà thương” - thương người, cứu người, không phân biệt ai cả, cũng giống như Nhà thương Phủ Doãn, Nhà thương Đồn Thủy (tên gọi cũ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện 108), chữa cho mọi người, chữa được mọi bệnh. Nói là nhà thương để quần chúng dễ hiểu và mang ý nghĩa thiết thực. Tiếng nước mình nhiều sao không dùng?

Cuối cùng, Bác dặn dò cán bộ, nhân viên bệnh xá phải đoàn kết với đồng bào xung quanh, đoàn kết trong cơ quan, tránh tự kiêu, tự phụ, luôn luôn cố gắng làm tốt công việc hơn nữa.

Tỉnh ủy, nhất là Huyện ủy Ứng Hòa phải chú ý giúp đỡ Bệnh xá Vân Đình giữ vững là lá cờ đầu của ngành y tế, phát huy được nhiều tác dụng hơn nữa. Từ sau ngày Bác về thăm, Bệnh xá Vân Đình được gọi là Nhà thương Vân Đình và nay là Bệnh viện đa khoa Vân Đình.

Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết cho biết, 60 năm thực hiện học tập và làm theo lời Bác, Bệnh viện đa khoa Vân Đình luôn giữ vững truyền thống tận tuỵ, chủ động, sáng tạo trong phục vụ người bệnh, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Đó là ba lần nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, đơn vị Anh hùng Lao động, Bệnh viện tình thương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều năm đạt danh hiệu “Bệnh viện xuất sắc toàn diện”.

Đưa Ứng Hòa trở thành huyện phát triển phía Nam Thủ đô

Từ những lần Bác Hồ về thăm, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Ứng Hòa luôn khắc ghi những lời dạy của Người và quyết tâm biến những chỉ dẫn đó thành hiện thực, xây dựng Ứng Hòa ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.

Thấm nhuần lời Bác dạy, cán bộ, đảng viên cần phải quan tâm chăm lo mọi mặt đời sống Nhân dân, huyện Ứng Hòa đã quyết tâm tạo đột phá từ cải cách hành chính, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết các công việc thiết yếu.

Năm 2023, huyện Ứng Hòa đã hoàn thành 24/24 chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch cải cách hành chính, đạt 100% nội dung kế hoạch. Tổng số hồ sơ tiếp nhận cấp huyện là 3.464, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 67,1% (tăng trên 200% so với năm 2022), cấp xã bình quân đạt 53%, bảo đảm vượt chỉ tiêu tối thiểu trên 50% theo kế hoạch.

6 tháng đầu năm 2024, UBND huyện đã hoàn thành 16/24 chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024, đạt 66,7%, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn, trước hạn cao. Đến tháng 6/2024, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính cấp huyện đã tiếp nhận 1.943 hồ sơ. Trong đó đã giải quyết 1.825/1.825 hồ sơ trước và đúng hạn, đạt tỷ lệ 100%; số hồ sơ được giải quyết trực tuyến là 1.214/1.943 hồ sơ, đạt tỷ lệ 62,5%.

Với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ lời chỉ dẫn của Bác Hồ khi về xã Hòa Xá nói chuyện với Đại hội đoàn kết chống hạn của hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức cũng như khi Người về Ứng Hòa xem xét tình hình chống hạn của tỉnh Hà Đông, Đảng bộ, Nhân dân huyện Ứng Hòa luôn chú trọng đẩy mạnh công tác thủy lợi.

Đơn cử, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, xã viên, nông dân đăng ký đảm nhận những công trình thủy lợi “Làm theo lời Bác”. Các tuyến đường giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu được cứng hóa, cầu cống được xây dựng, ruộng trũng được cải tạo… Hiện nay, trên địa bàn huyện Ứng Hòa có 2.152 tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 876km và 192 trạm bơm, 5.668 cống làm nhiệm vụ lấy nước, tiêu úng.

Diện mạo nông thôn huyện Ứng Hòa ngày càng khang trang, sáng - xanh - sạch - đẹp hơn so với trước đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ xuất phát điểm thấp, huyện Ứng Hòa đã có bước phát triển toàn diện.

Đến hết năm 2023, toàn huyện có 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (21,42%), 3 xã đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (10,7%); thị trấn Vân Đình được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Năm 2022, Ứng Hòa được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tính đến tháng 6/2024, huyện có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 9/28 xã.

Kinh tế của huyện có bước phát triển khá theo hướng bền vững. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 68,2 triệu đồng/người, gấp hơn 5,5 lần so với năm 2010. Toàn huyện chỉ còn 2 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,003%... Với những kết quả đạt được, Ứng Hòa từng bước xây dựng giá trị cốt lõi của một miền quê văn minh.

Theo TS Đinh Ngọc Quý - Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đạt được kết quả trên là do Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ứng Hòa đã thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ qua những lần Người về thăm.

Những lời chỉ dẫn của Người đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Ứng Hòa sẽ sống mãi cùng năm tháng, trở thành động lực, niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu đưa Ứng Hòa trở thành huyện phát triển của khu vực phía Nam Thủ đô, góp phần vào những thành tựu chung của TP Hà Nội.

 

Ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện Ứng Hòa đã đôn đốc quyết liệt thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực đề ra. Kinh tế huyện được phục hồi và duy trì mức tăng trưởng khá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng năm 2024 (giá so sánh) ước đạt 8.126 tỷ đồng, tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước.