Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Kinhtedothi - Ngày 16/4, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo với chủ đề “Văn học, nghệ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 – 30/4/2025)”.

Hội thảo đánh giá những thành tựu, hạn chế; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhằm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thuỵ Du

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đưa đất nước bước sang một trang sử mới, đồng thời cũng mở ra cho văn học, nghệ thuật nước ta không khí mới, không gian mới; giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa; phát triển trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng; qua đó bắt nhịp, cổ vũ, đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Để thích ứng với tình hình mới, 50 năm qua Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các tổ chức hội và tập hợp văn nghệ sĩ để phát triển toàn diện với 9 hội chuyên ngành, hơn 4.400 hội viên.

“Với sự chỉ đạo và quan tâm sâu sát của Thành ủy và UBND TP Hà Nội, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đã đạt được những thành tựu trong các hoạt động tổ chức và đầu tư sáng tác suốt nửa thế kỷ qua, tập hợp được đông đảo đội ngũ văn nghệ sĩ tâm huyết, sáng tạo ra nhiều tác phẩm và công trình nghệ thuật, phục vụ độc giả và công chúng Thủ đô. Các hoạt động văn học, nghệ thuật luôn gắn bó với dân tộc; nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống và lao động, sáng tạo của Nhân dân; góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội, bồi dưỡng giáo dục con người, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…” - NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.

NSND Trần Quốc Chiêm - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thụy Du

Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm đã thẳng thắn đấu tranh, phê phán cái xấu, tiêu cực, những tệ nạn xã hội, sự sai trái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; bảo vệ những giá trị đạo đức, nhân văn. Ngoài việc sáng tác, nhiều công trình nghiên cứu lý luận, phê bình, dịch thuật đã ra đời nhằm tổng kết những giá trị văn học, nghệ thuật, giới thiệu những tinh hoa văn hóa nhân loại; khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các đề tài lịch sử, đặc biệt là đề tài chiến tranh cách mạng và đề tài hiện đại được đề cập khá toàn diện, thể hiện đa hình thức, hấp dẫn, hiện đại, thu hút công chúng.

Cùng với khẳng định đóng góp của văn học, nghệ thuật Hà Nội trên mặt trận chính trị, tư tưởng, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, tại hội thảo, các văn nghệ sĩ, đại biểu đã có những ý kiến đóng góp để văn học, nghệ thuật tiếp tục phát huy sức mạnh, đem lại nhiều giá trị mới cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước. PGS.TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho rằng, văn nghệ dân gian Thủ đô đã bước đầu tham gia vào các hoạt động công nghiệp văn hóa và cần phát huy tích cực điểm này trong thời gian tới.

“Các di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn Hà Nội được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có thể phát huy tốt trong công nghiệp văn hóa, thể hiện ở việc trình diễn trên sân khấu hoặc trình diễn thực cảnh, trong chương trình cho các tour tham quan, các không gian sáng tạo của Thủ đô… Điều này góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, thu hút sự quan tâm, thưởng thức của người dân, nhất là các bạn trẻ” - PGS.TS Trần Thị An nhận định.

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ