Thiếu địa điểm xây dựng nhà văn hóa
Theo quận Hà Đông, hiện trên địa bàn có 250 tổ dân phố (TDP), nhưng mới chỉ có 232 nhà văn hoá và nhà sinh hoạt cộng đồng (NVH&NSHCĐ). Trong đó, có 21 TDP đã có từ 2 - 3 công trình NVH&NSHCĐ.
Hà Đông còn 48 TDP chưa có NVH&NSHCĐ thuộc 12 phường là Yết Kiêu, Văn Quán, La Khê, Mộ Lao, Kiến Hưng, Quang Trung, Đồng Mai, Phúc La, Phú Lương, Yên Nghĩa, Phú La và Vạn Phúc. Trong số 48 TDP kể trên đã có 22 tổ hiện đang được bố trí sử dụng chung, hoặc bố trí tại các địa điểm sinh hoạt cộng đồng chung TDP có nhà chung cư, cụm chung cư.
Như vậy, trên địa bàn Hà Đông còn 20 TDP chưa có nhà văn hoá (NVH). Trong đó có 4 TPD đang chuẩn bị đầu tư, như tổ số 4, 6, 7 phường Văn Quán và TDP số 3 của phường Kiến Hưng đã làm hồ sơ và thực hiện các bước trong quá trình đầu tư. Ngoài ra còn có 2 TDP đã xác được được quỹ đất là TDP số 5 phường Mộ Lao và TDP số 9 phường Phú La.
Đây là tín hiệu tích cực, khi đã xác định được quỹ đất, UBND quận Hà Đông sẽ bố trí ngân sách để các phường và TDP xây dựng NVH. Quận Hà Đông đang đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng NVH cho TDP số 7 thuộc phường Vạn Phúc. Hiện nay, một số TDP còn đang vướng mắc chưa thể chuyển đổi được diện tích sang xây dựng NVH, mặc dù đã có chủ trương của TP Hà Nội.
Cụ thể, tại TDP số 11, phường Văn Quán, Bí thư Chi bộ và Trưởng Ban công tác Mặt trận TDP 11, phường Văn Quán ông Bùi Trọng Thắng, dẫn phóng viên xem lô đất được quây tôn nhiều năm nay, chờ bàn giao cho TDP. Không chỉ lãng phí tài nguyên đất mà hàng tháng phường và TDP còn phải mất ngày công lao động, kinh phí dọn chở rác vì hoang hóa là nơi vứt rác bừa bãi của người dân, khó quản lý.
Ông Thắng, chia sẻ: “Năm 2016, sau khi Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ĐHSPNTTƯ) sử dụng quỹ đất còn dôi dư 160m2. TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi, bàn giao lại cho quận Hà Đông. Do TDP số 11 không có NVH nên đã được UBND quận Hà Đông bàn giao cho UBND phường Văn Quán và TDP để triển khai làm NVH.
Tuy nhiên, khi triển khai đào móng để xây dựng thì xảy ra tranh chấp do Trường ĐHSPNTTƯ không đồng thuận. Do đó, 6 năm trôi qua nhưng dự án xây dựng NVH cho TDP 11 Văn Quán vẫn không được triển khai. Các buổi họp, sinh hoạt cộng đồng của 500 hộ dân trong TDP vẫn phải đi họp nhờ, nay chỗ này, mai chỗ khác”.
Ngoài ra, còn có 2 TDP vẫn chưa đồng thuận về vị trí đất, đó là TDP số 8 phường Đồng Mai và TDP số 16 phường Quang Trung. Một số phường hiện nay không còn quỹ đất để xây dựng, như ở phường Yết Kiêu, Kiến Hưng, Phú Lương, Yên Nghĩa.
Chưa có quy chế quản lý nhà văn hóa
Thời gian qua, UBND quận Hà Đông luôn bám sát sự chỉ đạo của Thành uỷ, HĐND, UBND TP về đầu tư, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hoá. Quận tập trung chỉ đạo UBND các phường thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sử dụng các khuôn viên và NVH&NSHCĐ, xử lý những trường hợp sử dụng sai mục đích, gây thất thoát tài sản công.
Trước thực trạng này UBND quận đã lên kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất các công trình NVH&NSHCĐ. Quận chỉ đạo 17/17 phường thành lập, kiện toàn Ban chủ nhiệm NVH&NSHCĐ, xây dựng quy chế sử dụng và đầu tư các trang thiết bị cơ bản để thực hiện nhiệm vụ chính trị, các hoạt động văn hoá, văn nghệ như âm ly, loa đài, cờ, khẩu hiệu, trang trí khánh tiết….
Một số TDP đã làm tốt công tác khai thác, quản lý, sử dụng NVH&NSHCĐ vào các nhiệm vụ chính trị, văn hoá, sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế và tồn tại. Về quản lý, khai thác công trình NVH&NSHCĐ, do không có kinh phí để hoạt động, nên một số TDP đã cho mượt để lấy kinh phí sinh hoạt.
Do đó dẫn đến cơ sở vật chất xuống cấp, công năng hoạt động còn nhiều bất cập. Đối với một số NVH xa trung tâm, diện tích rộng nhưng cơ sở vật chất xuống cấp. Ban chủ nhiệm NVH&NSHCĐ được thành lập theo đúng hướng dẫn của Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội, nhưng chưa có quy chế và nguồn kinh phí hoạt động. Thậm chí, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ văn hoá cơ sở còn hạn chế, chưa có chế độ đãi ngộ, tôn vinh đối với cán bộ văn hoá cơ sở...
Ông Lê Hữu Trác, đại diện cho cư dân ở TDP 4, phường Đồng Mai, Hà Đông, cho biết: Đồng Mai từ xã lên phường, do đó từ năm 2000 được quan tâm xây dựng được 17 NVH. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của NVH không có và thời gian sử dụng đã lâu, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, cần được cải tạo sửa chữa. Một số NVH xây dựng đã lâu nhưng chưa có nhà vệ sinh. Thời gian qua, quận và phường đã cải tạo, sửa chữa được 6 NVH khang trang, Nhân dân rất phấn khởi”.
“Bên cạnh đó, vẫn còn 11 NVH chưa được cải tạo. Các dự án này đã được HĐND quận thông qua danh mục cải tạo, sửa chữa, nhưng vẫn đang vướng mắc do còn phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hiện nay người dân phường Đồng Mai đang thắc mắc, vì sao diện tích đã xây dựng NVH hơn 10 năm, giờ phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khiến cho việc cải tạo chậm tiến độ? Chúng tôi cũng cần có một cơ chế để khai thác các công năng của NVH sao cho hiệu quả, mang lại đời sống tinh thần cho Nhân dân” - ông Trác, phản ánh thêm.
Theo bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông: Hiện nay, UBND quận đang chỉ đạo các phường tiếp tục giám sát việc quản lý, sử dụng đối với những TDP đang sử dụng NVH, sở hữu chung NVH&NSHCĐ, hoặc sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng tại chung cư. UBND quận sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư công đối với những TDP đã xác định được quỹ đất và tiếp tục rà soát quỹ đất cho những TDP chưa có diện tích xây dựng.
Ngày 24/6/2022, HĐND quận Hà Đông ban hành Nghị quyết số 07 về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án trung hạn, giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến đầu tư công 2023. Trong đó có kế hoạch đầu tư công đối với các NVH&NSHCĐ chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020 gồm 31 dự án, trong đó có 6 dự án NVH&NSHCĐ, 25 dự án cải tạo, sửa chữa. Dự án đầu tư mới 2021 – 2025 có 4 dự án đầu tư xây dựng NVH mới và 17 dự án đầu tư sửa chữa, mua sắm trang thiết bị. Hiện có 3 dự án đang thi công năm 2022 và 5 dự án triển khai giai đoạn 2022 – 2025.
Để hoạt động của các NVH&NSHCĐ phát huy được hiệu quả tích cực, ngoài sự nỗ lực của chính quyền và Nhân dân, quận Hà Đông đã đề nghị Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội cần tham mưu với UBND TP về cơ chế hoạt động của NVH&NSHCĐ.
Sở Tài chính quan tâm tháo gỡ khó khăn về kinh phí hoạt động của Ban chủ nhiệm NVH&NSHCĐ, để có tiền trang trải phí dịch vụ điện, nước, các hoạt khác nhằm duy trì hoạt động hiệu quả, chấm dứt tình trạng một số NVH cho thuê, mượn công trình, tài sản công của Nhà nước. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể hoạt động thu chi kinh phí trong quá trình vận hành NVH&NSHCĐ, kể cả nguồn kinh phí hoạt động xã hội hoá.
Đối với nhà sinh hoạt cộng đồng ở toà nhà chung cư, đề nghị TP có cơ chế tài chính cho Ban quản trị toà nhà, đảm bảo hoạt động cộng đồng cho người dân.
Đối với các TDP đã xác định được quỹ đất, chưa bàn giao diện tích xây dựng NVH&NSHCĐ, Sở Tài nguyên Môi trường có hướng dẫn, chỉ đạo chuyển đổi mục đích sử dụng, làm thủ tục bàn giao đất cho địa phương. Đối với những diện tích đất chưa được quy hoạch là NVH&NSHCĐ, Sở Kiến trúc nên điều chỉnh lại quy hoạch để các TDP triển khai các bước trong quy trình đầu tư.